Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 70%
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 65 – 70% và mở rộng đối tượng tham gia BHTN.
Tăng chế độ cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 8 chương, 58 điều, trong đó có 1 chương BHTN. Dự thảo Luật quy định, nguyên tắc của BHTN là bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHTN. Mức đóng BHTN được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức hưởng BHTN được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHTN.

Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Nam Từ Liêm năm 2025. Ảnh: Trần Oanh
Để người tham gia BHTN có thêm quyền lợi, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung chế độ BHTN, so với quy định hiện hành. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất các chế độ BHTN, gồm có: tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, dịch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm, căn cứ tình hình thực tế và kết dư Quỹ BHTN, Chính phủ quy định việc giảm mức đóng BHTN, hỗ trợ bằng tiền hoặc các hỗ trợ khác.
Cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất hỗ trợ người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có đề nghị hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề trước thời điểm chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian hỗ trợ tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo khóa học, thời gian học nhưng không quá 6 tháng. Nội dung hỗ trợ bao gồm học phí đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; tiền ăn cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp được giới thiệu công việc phù hợp và ứng tuyển phỏng vấn. Ảnh: Trần Oanh.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng BHTN.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, người lao động cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Đảm bảo quyền lợi tương xứng với mức đóng và thời gian đóng
Về quy định người tham gia BHTN có mức hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng: mức hưởng 60% tiền lương là thấp, khó đảm bảo mức sống tối thiểu khi mất thu nhập hoàn toàn, đặc biệt là trong các thời kỳ suy thoái kinh tế, dịch bệnh, thiên tai, khả năng tìm việc làm mới giảm mạnh.
Từ tham chiếu Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lý tưởng là 65 – 70% thu nhập bình quân, các nước như Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản đang áp dụng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp 66 – 70%, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình kiến nghị xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) theo hướng: mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng tối thiểu bằng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN. Trường hợp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh quy mô lớn thì Chính phủ được phép nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên tối đa 70% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN.

Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh
Trong bối cảnh thị trường lao động linh hoạt, nhiều lao động hợp đồng ngắn hạn thì mức hưởng 60% lương bình quân như dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là chưa phù hợp với mặt bằng chi phí sinh hoạt hiện nay. Bên cạnh đó, thời gian hưởng trợ cấp tối đa 12 tháng là hợp lý nhưng cách tính lũy tiến đóng BHTN 12 tháng được 3 tháng, sau đó 12 tháng thêm 1 tháng là khá chậm, thiệt thòi cho người lao động đóng nhiều năm. Vì vậy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị tăng mức hưởng lên 70% lương bình quân 6 tháng gần nhất trong giới hạn không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng, cải tiến cách tính thời gian hưởng theo hướng cứ 6 tháng đóng thêm được cộng thêm 1 tháng trợ cấp thay vì 12 tháng như hiện nay.
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi phản biện dự án Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đề nghị nghiên cứu, không quy định giới hạn tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lý do là để đảm bảo quyền lợi tương xứng với mức đóng và thời gian đóng BHTN của người lao động. Đồng thời hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn khi chưa tìm được việc làm, đặc biệt đối với nhóm lao động lớn tuổi hoặc trong các ngành nghề đặc thù. Một lý do nữa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra là tăng cường tính bền vững và hấp dẫn của chính sách BHTN, khuyến khích người lao động tham gia dài hạn. Hơn nữa, Quỹ BHTN hiện nay được đánh giá là ổn định và có dư địa để hỗ trợ người lao động tốt hơn, nhất là khi chỉ có một phần nhỏ người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp dài hạn.
Cùng với việc đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia bảo hiểm xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị mở rộng đối tượng tham gia BHTN trong đó có cán bộ, công chức, viên chức trước tình hình Nhà nước đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính hướng tới hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây sẽ là bước đi chủ động của Nhà nước bảo vệ người lao động khu vực công trong điều kiện mới cũng như đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho họ.