Đề xuất tăng lương, Boeing nỗ lực chấm dứt đình công kéo dài

'Gã khổng lồ' Boeing cho thời hạn đến nửa đêm ngày 27/9 (giờ địa phương) để công nhân thông qua lời đề nghị 'tốt nhất và sau cùng' với đề xuất tăng lương của phía công ty.

Máy bay 737-A của Boeing tại sân bay quốc gia Washington Reagan ở Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Máy bay 737-A của Boeing tại sân bay quốc gia Washington Reagan ở Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công ty sản xuất máy bay Boeing ngày 23/9 đã đề xuất tăng lương theo giờ thêm 30% cho những công nhân đình công, cải thiện lời đề nghị ban đầu trong nỗ lực chấm dứt tình trạng ngừng hoạt động kéo đã dài 10 ngày và khiến các nhà máy ở khu vực Seattle phải đóng cửa.

“Gã khổng lồ” Boeing cho công nhân đến nửa đêm ngày 27/9 (giờ địa phương) để thông qua lời đề nghị “tốt nhất và sau cùng" của phía công ty.

Hiệp hội Thợ máy và Công nhân ngành hàng không vũ trụ quốc tế (IAM) cho biết họ đang xem xét đề xuất này.

Khoảng 33.000 thành viên IAM đã đình công vào ngày 13/9 sau khi bỏ phiếu áp đảo để bác bỏ một lời đề nghị trước đó của Boeing.

Về cơ bản, động thái này đã đóng cửa các nhà máy lắp ráp mẫu máy bay 737 MAX và 777.Mức tăng lương 30% nêu trên cao hơn mức đề xuất tăng 25% trước đó.

Ban đầu, các nhà lãnh đạo IAM đã chấp thuận mức tăng 25% trước khi lực lượng lao động cơ sở từ chối một cách quyết liệt.

Người lao động đã yêu cầu tăng lương tới 40%. Họ viện dẫn trong hơn một thập kỷ qua, mức tăng lương ít ỏi đã gây áp lực lên ngân sách gia đình ở một khu vực đắt đỏ của Mỹ trong thời kỳ lạm phát giá tiêu dùng.

Đề xuất mới của Boeing cũng khôi phục lại khoản tiền thưởng hàng năm đã bị xóa bỏ trong phiên bản trước đó. Công nhân đã phàn nàn rằng bỏ khoản thưởng có nghĩa mức tăng lương của đề xuất trước không lớn như những gì công ty công bố.

Đề xuất mới cũng tăng gấp đôi tiền thưởng cho việc thông qua thỏa thuận lên 6.000 USD, đồng thời nâng mức đóng góp của công ty vào quỹ hưu trí tư nhân 401K của nhân viên.

Nhưng đề xuất sửa đổi không khôi phục lại lương hưu, trong khi đây là yêu cầu của một số công nhân.

Thỏa thuận sửa đổi vẫn duy trì các điều khoản khác, chẳng hạn như cam kết chế tạo máy bay mới tiếp theo của Boeing tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.Hai bên đã tiến hành hai ngày hòa giải vào tuần trước với sự hỗ trợ của các quan chức chính phủ.

Giám đốc điều hành (CEO) Boeing, ông Kelly Ortberg, cho biết việc chấm dứt cuộc đình công là "ưu tiên hàng đầu."

Trong khi đó, Chủ tịch của IAM, ông Brian Bryant cho biết đề xuất mới nhất từ Boeing chứng minh tính chính đáng cho quyết định đình công của các công nhân.

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá cổ phiếu Boeing đã giảm 36%. Cuộc đình công lần này khiến hãng thêm khó khăn. Nếu kéo dài, không chỉ Boeing bị thiệt hại tài chính mà các hãng hàng không đang chờ nhận máy bay và nhà cung cấp linh kiện của Boeing cũng chịu ảnh hưởng.

Nghiên cứu của TD Cowen cho biết nếu cuộc đình công kéo dài 50 ngày, hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới có thể thiệt hại 3-3,5 tỷ USD.

CEO Air India Campbell Wilson cho biết từ trước khi cuộc đình công diễn ra, việc giao Boeing 737 MAX đã có dấu hiệu chậm trễ, sau sự cố máy bay của Alaska Airlines bung thân hồi tháng 1/2024.

Hai hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings và Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Boeing xuống gần mức "không khuyến nghị đầu tư."

Trước đó, Boeing cho biết đã nhận được tổng đơn đặt hàng cho 72 máy bay mới trong tháng 7/2024, so với con số 59 máy bay của Airbus.

Phần lớn số đơn hàng này đến từ các công ty cho thuê máy bay, trong đó có dòng máy bay 737 Max của Boeing và nhiều đơn hàng liên quan đến Triển lãm Hàng không Farnborough vào tháng 7/2024, nơi diễn ra nhiều giao dịch mua bán máy bay thương mại.

Tuy nhiên, con số khả quan nói trên vẫn rất khiêm tốn so với những gì mà Boeing đã đạt được trong năm ngoái. Lượng đơn hàng của Boeing đã giảm mạnh kể từ sau vụ bung cửa máy bay của Alaska Airlines vào đầu năm nay.

Số đơn hàng tháng 7 đã đưa tổng số đơn hàng trong năm của Boeing lên 228 máy bay thương mại. Trừ đi các đơn hàng bị hủy, Boeing chỉ có 186 đơn hàng ròng trong giai đoạn từ tháng 1-7/2024.

Con số này thấp hơn nhiều so với 579 đơn hàng mà “ông lớn” này nhận được trong cùng kỳ năm 2023, và cũng đứng sau các mức 386 tổng đơn hàng và 367 đơn hàng ròng mà Airbus ghi nhận trong năm nay tính đến hết tháng 7.

Mới đây, Boeing cũng cho biết đã giao 43 máy bay cho khách hàng trong tháng 7/2024, bằng với số lượng tháng 7/2023 và giảm nhẹ so với 44 máy bay được bàn giao trong tháng 6/2024.

Tuy nhiên, số máy bay được giao trong năm nay đã giảm 29% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ đạt 218 máy bay thương mại.

Trong khi đó, Airbus đã giao 400 máy bay trong giai đoạn từ tháng 1-7/2024.

Đầu tháng 8/2024, Boeing cho biết có kế hoạch thực hiện các thay đổi thiết kế để ngăn chặn sự cố cửa thoát hiểm bị bung ra giữa không trung tương tự như vụ việc xảy ra trên chuyến bay 737 MAX 9 của Alaska Airlines vào tháng 1/2024.

Vụ việc đó đã đẩy nhà sản xuất máy bay của Mỹ vào một cuộc khủng hoảng lớn thứ hai trong những năm gần đây.

Bà Elizabeth Lund, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách chất lượng của Boeing, cho biết nhà sản xuất máy bay đang nghiên cứu các thay đổi thiết kế mà họ hy vọng sẽ triển khai trong năm nay và sau đó sẽ trang bị lại cho toàn bộ đội máy bay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/de-xuat-tang-luong-boeing-no-luc-cham-dut-dinh-cong-keo-dai-post978961.vnp
Zalo