Đề xuất tăng độ sâu khai thác tại cụm mỏ đá lớn nhất Đồng Nai

Ngày 19/12, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với các bên liên quan về việc thực hiện Dự án Đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng khai thác khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân đến môi trường và sông Buông.

Hoạt động khai thác đá tại cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Hoạt động khai thác đá tại cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Đồng Nai là tỉnh có trữ lượng đá xây dựng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ. Cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có diện tích quy hoạch gần 400 ha, gồm 10 mỏ. Đây là cụm mỏ khai thác đá lớn nhất ở Đồng Nai. Những năm qua, việc khai thác khoáng sản tại đây gây ra nhiều hệ lụy, tác động đến nguồn nước sông Buông và môi trường xung quanh. Do đó, năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Dự án Đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng khai thác khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân đến môi trường và sông Buông.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn (Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam), Dự án được triển khai từ năm 2021, hoàn thành vào cuối năm 2022. Thời gian qua, các bên liên quan hành hoàn thiện các chuyên đề; lấy ý kiến chuyên gia và bộ, ngành. Đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành 11 chuyên đề và 1 báo cáo tổng thể. Các chuyên đề và báo cáo giải quyết được các nội dung dự án đặt ra, gồm: đánh giá mức độ ô nhiễm; đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường; đánh giá trữ lượng, thời gian khai thác của từng mỏ; định hướng quy hoạch sau khai thác.

Từ những kết quả trên, đơn vị tư vấn kiến nghị UBND tỉnh cho phép các mỏ đá giáp ranh thông moong (đáy mỏ) theo tiến độ khai thác, cho khai thác tăng độ sâu tối đa là -120m (hiện nay là -80m); chỉ đạo các đơn vị sớm đầu tư đường chuyên dùng giai đoạn 2 để giảm tải cho tuyến đường hiện hữu và giảm mức độ bụi.

UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai tiếp tục quan trắc môi trường không khí như hiện nay; quan trắc mực nước ngầm tại khu vực cụm mỏ. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các chủ mỏ tuân thủ nghiêm quy định khai thác khoáng sản; tăng cường giải pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt tại khu vực chế biến đá; thành lập ban chỉ đạo cụm mỏ đá Tam Phước - Phước Tân.

Sông Buông đoạn chảy qua cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Sông Buông đoạn chảy qua cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho rằng, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu, báo cáo và đề xuất giải pháp khai thác đá gắn với bảo vệ môi trường bền vững khu vực cụm mỏ. Đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn và Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai tiếp tục làm rõ hơn mức độ ô nhiễm môi trường (nguồn nước, không khí) của hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển đá.

Cụ thể là các nhóm giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, chống sạt lở, công nghệ, quản lý khai thác, tăng độ sâu. Trong tháng 12/2024, các đơn vị hoàn thiện kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng trong quá trình khai thác khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân đến môi trường và sông Buông để UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy Đồng Nai; làm căn cứ chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiệm vụ, nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.

Tin, ảnh: Công Phong (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/de-xuat-tang-do-sau-khai-thac-tai-cum-mo-da-lon-nhat-dong-nai-20241219144522470.htm
Zalo