Đề xuất quy định về 'không thi hành hình phạt tử hình' để tương trợ tư pháp

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Ngày 26-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến đã trình bày tờ trình về dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Theo ông Nguyễn Huy Tiến, dự thảo luật đã bổ sung quy định xử lý trường hợp nước ngoài đề nghị Nhà nước Việt Nam đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình để thực hiện yêu cầu tương trợ của Việt Nam.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Phạm Thắng

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Phạm Thắng

Theo đó, trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình để thực hiện yêu cầu tương trợ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đưa ra thông báo không áp dụng hình phạt tử hình đối với người có liên quan đến yêu cầu tương trợ nếu người đó thuộc trường hợp không bị kết án tử hình theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

Thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người có liên quan đến yêu cầu tương trợ không thuộc trường hợp được quy định trên, sau khi có ý kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp cần thiết.

Cũng theo dự thảo luật, trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình để thực hiện yêu cầu tương trợ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban cơ bản tán thành việc bổ sung cơ chế này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thời gian qua. Theo Ủy ban, một số yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam bị nước ngoài từ chối do có liên quan đến hình phạt tử hình nhưng Luật Tương trợ tư pháp hiện hành chưa có cơ chế cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình.

Việc bổ sung quy định này cũng phù hợp với một số hiệp định Việt Nam đã ký kết, trong đó có quy định: Yêu cầu tương trợ tư pháp có thể bị từ chối nếu liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử một người về một tội mà có thể bị kết án hoặc thi hành án tử hình, trừ khi bên yêu cầu cam kết sẽ không kết án tử hình, hoặc nếu kết án tử hình thì sẽ không thi hành.

Cơ quan thẩm tra cho biết thêm, có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ nội dung này vì có thể ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án đã được quy định trong Hiến pháp.

Dự thảo Luật quy định người đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam có thể được dẫn giải, chuyển giao tạm thời cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ trong vụ án hình sự tại nước ngoài. Thời gian người bị chuyển giao bị dẫn giải, lưu lại ở nước ngoài được tính vào thời hạn tạm giam hoặc thời hạn chấp hành án phạt tù của người đó.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành việc tiếp tục kế thừa quy định này của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành, đồng thời tán thành việc bổ sung đối tượng chuyển giao gồm cả người đang bị tạm giam để tăng cường sự hỗ trợ giữa các quốc gia trong giải quyết vụ án hình sự.

Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc bổ sung thêm điều kiện để bảo đảm chặt chẽ, đó là "nếu thời hạn chuyển giao tạm thời này không quá thời hạn tạm giam hoặc thời hạn chấp hành hình phạt tù của người đó".

Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phải cam kết bằng văn bản về việc bảo đảm an toàn, điều kiện ăn ở, phương thức tiếp nhận, trao trả người được chuyển giao và văn bản cam kết được lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, qua rà soát các điều ước quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự và pháp luật Việt Nam đều chưa có quy định cụ thể về văn bản cam kết này. Do đó, đề nghị dự thảo luật giao quy định chi tiết về văn bản cam kết .

Minh Chiến - Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-xuat-quy-dinh-ve-khong-thi-hanh-hinh-phat-tu-hinh-de-tuong-tro-tu-phap-196250526095427888.htm
Zalo