Đề xuất quy định mới về cấp giấy phép khai thác khoáng sản, doanh nghiệp 'ngóng' tin vui?

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 29/11/2024, thay thế Luật Khoáng sản năm 2010. Trên cơ sở các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, các bộ, ngành liên quan đã xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 nghị định, 10 nghị quyết, 12 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng ban hành theo thẩm quyền 70 thông tư.

Sau hơn 13 năm tổ chức triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã đạt được một số kết quả trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản của các tổ chức, cá nhân; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản tiếp tục được tăng cường hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện các quy định trên cũng có những vướng mắc nhất định cần phải được rà soát kế thừa hoặc bổ sung các quy định mới cho phù hợp với Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 và điều kiện phát triển của kinh tế - xã hội.

Để bảo đảm Luật Địa chất và khoáng sản được triển khai thi hành ngay sau khi có hiệu lực, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 là hết sức cần thiết.

QUY ĐỊNH RÕ HƠN VỀ CẤP PHÉP KHAI THÁC DỰ ÁN KHOÁNG SẢN

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân được xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản, bao gồm cả trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 65 của Luật Địa chất và khoáng sản, khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn để khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại Điều 148 của Nghị định này hoặc trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa khai thác khoáng sản.

b) Có đủ điều kiện hành nghề khai thác khoáng sản, theo quy định của Nghị định này.

c) Có hồ sơ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 62 của Nghị định này; đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện với giá trị không nhỏ hơn ....% tổng vốn của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

d) Đã nộp đủ hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Dự thảo nêu rõ, hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản được lập thành một bộ, theo hình thức sau:

Bản chính: Văn bản đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản; bản đồ khu vực khai thác khoáng sản; dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt.

Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu: Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; các bản đồ, mặt cắt, bản vẽ thiết kế liên quan kèm theo dự án đầu tư được phê duyệt.

Văn bản thẩm định an toàn của Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đối với trường hợp đề nghị khai thác quặng phóng xạ.

Trả lại giấy phép khai thác khoáng sản: Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân được xem xét cho phép trả lại giấy phép khai thác khoáng sản khi đáp ứng đủ các điều kiện: (i) tổ chức, các nhân được cấp phép khai thác khoáng sản không có nhu cầu tiếp tục khai thác khoáng sản; (ii) đã hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Địa chất và khoáng sản; (iii) đã nộp đủ hồ sơ đề nghị trả lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

TÁC ĐỘNG TỚI DOANH NGHIỆP KHOÁNG SẢN

Nhận định về Dự thảo Nghị định tác động lên nhóm doanh nghiệp khoáng sản, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích nhóm khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, cho rằng Dự thảo quy định rõ ràng hơn về việc cấp phép khai thác khoáng sản. Việc minh bạch về các quy định sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia dự án khoáng sản, rủi ro pháp lý cũng sẽ giảm.

Trong quy định về năng lực tài chính, Dự thảo nêu rõ quy định về đòn bẩy tài chính, nợ trên vốn chủ hữu; thuế và chi phí; các chỉ số báo cáo tài chính, quy định vốn chủ sở hữu đầu tư dự án. Nhìn chung, Dự thảo đã cụ thể hóa hơn các điều kiện để cấp phép cho dự án khai khoáng.

Những doanh nghiệp đủ điều kiện cấp phép triển khai dự án khai thác khoáng sản phải thực sự là những doanh nghiệp có năng lực tài chính. Năng lực tài chính phải lớn và phải "sạch", tức là đòn bẩy thấp. Thông thường, các doanh nghiệp khai khoáng có mức rủi ro đòn bẩy khá cao, do đó, nếu doanh nghiệp có mức rủi ro đòn bẩy càng thấp thì khả năng được cấp giấy phép càng cao.

Bên cạnh đó, năng lực triển khai dự án phải tốt, doanh nghiệp có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án thì sẽ có lợi hơn so với doanh nghiệp ngoài ngành.

Tóm lại, những doanh nghiệp đã từng triển khai dự án, năng lực tài chính tốt thì khả năng trúng thầu dự án, được cấp giấy phép cao. Đồng nghĩa doanh nghiệp nhỏ năng lực tài chính kém sẽ gặp khó khăn hơn.

Điểm tiêu cực là các chi phí tuân thủ sẽ bị tăng lên. Trong chi phí tuân thủ có chi phí về cấp giấy phép khai thác, chi phí quyền khai thác, chi phí các hồ sơ đấu thầu... Tất cả chi phí tuân thủ tăng lên sẽ khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm xuống.

Ông Minh đánh giá, những doanh nghiệp lớn trong ngành như TKV sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi nhất nếu Dự thảo được thông qua. Bên cạnh đó, những cổ phiếu chuyên về đá như DHA, VLB, KSV... cũng được hưởng lợi. Những doanh nghiệp khai thác đá có đòn bẩy tài chính an toàn, quy mô vốn tầm trung trở lên, năng lực kinh nghiệm tốt đều là những doanh nghiệp đầu ngành.

"Nhiều doanh nghiệp cho biết họ cũng tự tin hơn khi Dự thảo quy định chi tiết hơn về cấp giấy phép...", ông Minh nhấn mạnh.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu khoáng sản đồng loạt tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong đó, cổ phiếu MSR phản ứng tích cực từ phiên 4/2/2025, đến 6/2/2025 bật tăng hết biên độ 14,78%. Tính trong ba phiên, cổ phiếu này tăng tới 20% với khối lượng giao dịch đột biến lên 3,5 triệu cổ phiếu, gấp 10 lần so với trung bình những phiên trước đó.

Cổ phiếu KSV của khoáng sản TKV cũng "bung nóc" trong 3 phiên liên tiếp, tăng tới 30%. Tính trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu này tăng 100%, 3 tháng tăng 317%; MTA của khoáng sản Hà Tĩnh cũng tăng kịch trần, tính trong 1 quý vừa qua cổ phiếu này tăng 258%...

Phiên bùng nổ ngày 6/2 của nhóm này được cho là nhờ những quyết định quan trọng đến từ phía Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc đã công bố lệnh hạn chế xuất khẩu toàn diện vào Mỹ nhằm vào 5 kim loại được sử dụng trong các ngành công nghiệp quốc phòng, năng lượng sạch và các ngành công nghiệp khác. Trong đó, Vonfram dẫn đầu trong 5 nhóm kim loại bị hạn chế xuất khẩu. Tiếp theo là Indium, Bismuth, Tellurium, Molybdenum.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-ve-cap-giay-phep-khai-thac-khoang-san-doanh-nghiep-ngong-tin-vui.htm
Zalo