Đề xuất 'nới' điều kiện để hưởng hỗ trợ nhà ở xã hội sau sắp xếp tỉnh, thành phố
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cả nước mới có 103 dự án dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 66.755 căn; mới đạt khoảng 15,6% mục tiêu của Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu trước Quốc hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 20/5, Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết: Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; cụ thể như: Chưa có Quỹ nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo dài hạn, bền vững.
Bên cạnh đó, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công còn phức tạp, kéo dài. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện lần lượt các thủ tục quy hoạch; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về chuẩn bị đầu tư, đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội như dự án nhà ở thương mại; Quy trình thực hiện thủ tục thẩm định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội còn kéo dài...

Toàn cảnh phiên họp
Thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 597.152 căn.
Trong đó có 103 dự án dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; mới đạt khoảng 15,6% mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Còn lại 140 dự án dự án đã khởi công xây dựng; 414 dự án dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội; Tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội; Thúc đẩy sự phát triển nhà ở xã hội đồng thời có tác động kép: giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết: Nghị quyết ấp dụng trên phạm vi toàn quốc, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).
Trong đó, dự thảo Nghị quyết quy định việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia (Điều 4 dự thảo Nghị quyết) được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Quỹ thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.
Bên cạnh đó, thí điểm giảm các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (Điều 7 dự thảo Nghị quyết). Thời gian thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu đề xuất tại dự thảo Nghị quyết dự kiến tối đa 75 ngày, cắt giảm được khoảng 200 ngày, tương ứng khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành.
Đồng thời bỏ thủ tục quy hoạch, theo quy định hiện hành yêu cầu 65 ngày để thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, do đó, trường hợp đề xuất không yêu cầu thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết thực hiện cắt giảm được 65 ngày so với quy trình hiện hành (bằng 100%).
Đặc biệt, về điều kiện nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (Điều 9 dự thảo Nghị quyết), Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Hiện nay, đối với các địa phương có địa giới hành chính rộng như Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An…, thì việc áp dụng quy định về điều kiện nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Luật Nhà ở năm 2023 còn nhiều bất cập.
Thực tế, trên địa bàn các tỉnh này, nhiều đối tượng có nhà ở tại nông thôn nhưng làm việc tại các đô thị, khu công nghiệp cách xa nhà. Những đối tượng này có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống nhưng theo quy định lại không đáp ứng yêu cầu.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp
Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất, điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được thực hiện theo hướng:
Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại thì căn cứ vào phạm vi đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án trước thời điểm sắp xếp lại để xác định điều kiện về nhà ở đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.
Trường hợp đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở có địa điểm làm việc cách xa nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì điều kiện về nhà ở để được mua, thuê mua nhà ở xã hội gần địa điểm làm việc là chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì khoảng cách ngắn nhất từ nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình đến địa điểm làm việc phải từ 30 km trở lên.