Đề xuất nhiều giải pháp phát triển Thủ đô bền vững, văn minh, hiện đại

Kinhteodothi-Theo các chuyên gia, nhà khoa học, với Luật Thủ đô 2024, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện mô hình quản trị hiệu quả, hiện đại; đặc biệt, triển khai các quy hoạch, bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Ngày 14/11, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Tham dự hội thảo có PGS.TS Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề cập đến quy định liên quan chính quyền địa phương trong Luật Thủ đô năm 2024.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, chính quyền địa phương nói chung, chính quyền Thủ đô nói riêng là một bộ phận cấu thành bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì thế, xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô không thể tách rời với các định hướng tổng thể xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Theo đó, mục tiêu tổng quát của việc xây dựng chính quyền Thủ đô là xây dựng nền hành chính Thủ đô thực sự dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân.

Với mục tiêu đó, cần tiếp tục tiến hành các định hướng cơ bản sau: Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của chính quyền Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2024. Luật Thủ đô năm 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là “đô thị loại đặc biệt” là “trung tâm chính trị - hành chính quốc gia” và là “trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước” (Khoản 2 Điều 2). Sớm đưa những nội dung mới của Luật Thủ đô vào cuộc sống; tăng cường năng lực phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh trong tổ chức thi hành, đặc biệt gắn kết với quá trình thể chế chính sách mới của Luật.

Hai là, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính: kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm đon giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; trọng tâm là các thủ tục thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư... Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính; gắn công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ với phương châm người dân, doanh nghiệp là trước hết và trên hết.

Ba là, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô theo các quy định mới của Luật Thủ đô năm 2024, trên cơ sở phân định rõ hơn tổ chức của mỗi cấp chính quyền. Khuyến khích sáp nhập và tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp của chính quyền Thủ đô ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực ở đô thị.

Xây dựng cơ chế, chính sách kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phân cấp của các cấp chính quyền Thủ đô. Đổi mới phương thức làm việc trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường sự tham gia của người dân...

GS.TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tham luận tại hội thảo

GS.TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tham luận tại hội thảo

Bốn là, cải cách chế độ công vụ: thể chế hóa cơ chế quản lý, chế độ chính sách mới đối với việc tuyển dụng, quản lý sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Luật Thủ đô quy định. Có cơ chế chính sách ưu đãi để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; đặc biệt đối với các lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững ở địa bàn Thủ đô.

Năm là, hoàn thiện mô hình quản trị Thủ đô hiệu quả, hiện đại. Khẩn trương xây dựng và phát triển theo quy hoạch, bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, với sông Hồng là trục xanh; cảnh quan trung tâm; phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố (theo khoản 1 Điều 17 Luật Thủ đô)…

Nâng cao năng lực và quyền lực cho các cơ quan quản lý

TS Bùi Việt Hương - Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu một số giải pháp nhằm bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả của Luật Thủ đô 2024. Theo đó, cần có phương án điều chỉnh luật theo thời gian để đáp ứng thực tiễn và thích ứng với các thay đổi trong môi trường xã hội, kinh tế. Cần tham khảo và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý đô thị bền vững, xây dựng lộ trình điều chỉnh luật một cách khoa học, có tính đồng bộ.

Theo TS Bùi Việt Hương, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước. Việc thúc đẩy phát triển kinh tế phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội cho cư dân.

Quang cảnh Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Quang cảnh Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo TS Bùi Việt Hương, Luật Thủ đô 2024 đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, phát triển và điều chỉnh các vấn đề đặc thù của Hà Nội - một đô thị lớn, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Việc điều chỉnh Luật đã đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hiện đại, tăng cường tính tự chủ và quyền hạn của chính quyền Thủ đô, nâng cao năng lực quản lý hành chính và pháp lý của Thủ đô, bảo đảm sự phát triển bền vững và toàn diện, bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử, bảo vệ quyền lợi của người dân, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việc nhận diện những thách thức mà quá trình thực thi Luật Thủ đô có thể gặp phải sẽ góp phần vào việc chuẩn bị các giải pháp phù hợp, chuẩn bị tốt hơn cho việc thực thi Luật, tăng cường khả năng điều chỉnh linh hoạt của Luật.

“Theo đó, việc nhận diện, điều chỉnh trước các thách thức giúp Luật Thủ đô có thể tồn tại và duy trì hiệu lực trong thời gian dài hơn, không phải thay đổi quá nhiều do các vấn đề phát sinh, hỗ trợ việc hoạch định chính sách dài hạn. Qua đó, giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực thi, nâng cao tính sáng tạo và đổi mới trong chính sách, bảo đảm rằng Luật Thủ đô có thể phát huy tối đa vai trò và giá trị trong quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội” - TS Bùi Việt Hương nhấn mạnh.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-nhieu-giai-phap-phat-trien-thu-do-ben-vung-van-minh-hien-dai.html
Zalo