Đề xuất nhiều giải pháp phát triển bền vững khu công nghiệp Vĩnh Phúc

Ngày 20/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị 'Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc'. Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất với tỉnh Vĩnh Phúc.

Đại diện Công ty TNHH Piaggio Việt Nam phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Đại diện Công ty TNHH Piaggio Việt Nam phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông khẳng định, suốt một thời gian dài, Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có nhiều đột phá, nhiều cơ chế chính sách đổi mới, sáng tạo trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ có đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh.

Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 3.142,96ha, trong đó 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II-giai đoạn 1, Bá Thiện II, Tam Dương II-khu A, Thái Hòa-Liễn Sơn-Liên Hòa-khu vực II-giai đoạn 1, Thăng Long Vĩnh Phúc.

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều khẳng định, công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, chỉ đạo sát sao; các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành chủ động, tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp.

Khu công nghiệp Bá Thiện 2 là mô hình thành công tại Vĩnh Phúc.

Khu công nghiệp Bá Thiện 2 là mô hình thành công tại Vĩnh Phúc.

Báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chỉ rõ: Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong phát triển các khu công nghiệp, tỉnh vẫn còn những tồn tại như bồi thường, giải phóng mặt bằng, chất lượng quy hoạch, năng lực chủ đầu tư, hạ tầng xã hội, giá thuê đất cao…

Đại diện Tập đoàn Sumitomo, Chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết, ngày càng nhiều dự án của nhà đầu tư thứ cấp hoàn thành xây dựng, đi vào sản xuất, do đó nhu cầu nguồn lao động tăng cao.

Về môi trường đầu tư, bà Đàm Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Amane - chủ đầu tư Khu công nghiệp Thái Hòa-Liễn Sơn-Liên Hòa (giai đoạn 1) nêu một số vấn đề như giải phóng mặt bằng, mặt bằng, đơn giá đất, giao đất, quy hoạch hạ tầng, kết nối ngoài hàng rào khu công nghiệp.

Đại diện Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID), chủ đầu tư các khu công nghiệp Khai Quang, Sông Lô 2 cho rằng, tỉnh cần bám sát nhu cầu nhà đầu tư để hỗ trợ kịp thời, ưu tiên tập trung hỗ trợ các dự án trọng điểm, triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào đồng bộ, giải phóng nguồn vật liệu thi công như đất san lấp.

Công ty cổ phần Vina CPK, Chủ đầu tư khu công nghiệp Bá Thiện II đề xuất, tỉnh Vĩnh Phúc cần hoàn thiện quy hoạch vùng, phân khu, cụ thể hóa quy hoạch tỉnh để nhà đầu tư hạ tầng rà soát, nghiên cứu xin đầu tư khu công nghiệp mới…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông phát biểu ý kiến.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông phát biểu ý kiến.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tài chính, kinh nghiệm, năng lực quản lý; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp.

Các sở, ngành cần giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các khu công nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; trước mắt là về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất; nguồn đất san nền; xác định giá đất; quy hoạch xây dựng; phát triển thị trường lao động; thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn …

HÀ HỒNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-xuat-nhieu-giai-phap-phat-trien-ben-vung-khu-cong-nghiep-vinh-phuc-post832165.html
Zalo