Đề xuất nhiều giải pháp để Kiên Giang phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Ngày 20-9, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang phối hợp Học viện Chính trị khu vực IV (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo cấp tỉnh với chủ đề 'Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở tỉnh Kiên Giang hiện nay'.
Tiến sĩ Phan Công Khanh - Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV; Thạc sĩ Lâm Phước Hải - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang; Tiến sĩ Chu Văn Hưởng - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, chủ trì hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Phan Công Khanh cho biết, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, vấn đề cốt lõi là phải thực hiện chiến lược giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển con người, nguồn nhân lực chất lượng cao một cách toàn diện.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định “phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là một trong những khâu đột phá chiến lược quan trọng quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian qua, Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực. Đến nay, nguồn nhân lực của Kiên Giang trên tất cả các lĩnh vực được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao của Kiên Giang phát triển còn chậm, chưa có sự đột phá; trình độ, năng lực nhân lực chuyển biến chậm; yêu cầu quản lý xã hội, số lượng nguồn nhân lực có mặt chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh; việc khai thác, sử dụng nguồn nhân lực từng lúc chưa hiệu quả.
Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội hiện nay, Kiên Giang đối mặt với những thách thức mới trong việc xây dựng và quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thực hiện đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Tiến sĩ Phan Công Khanh nhấn mạnh, hội thảo đề xuất các giải pháp để Kiên Giang phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường lao động và khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau.
Hội thảo nhận được gần 60 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, quý thầy cô... Các bài tham luận tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận khoa học về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; nghiên cứu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc tế và các địa phương trong nước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; nghiên cứu thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Kiên Giang hiện nay.
Hội thảo diễn ra hai phiên gồm tham luận, thảo luận và thảo luận bàn tròn. Tại phiên thứ nhất, có 3 tham luận được chọn trình bày gồm: Kiên Giang phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội khóa XIII của Đảng; cần có “lời giải” cho “bài toán khát nguồn nhân lực cao” đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở Kiên Giang hiện nay; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phục vụ kinh tế biển ở tỉnh Kiên Giang hiện nay. Cùng với đó, lãnh đạo trường chính trị tỉnh, trung tâm chính trị, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương, đơn vị.
Tại phiên thảo luận bàn tròn, các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung phân tích, làm sâu sắc các nội dung: Thành tựu trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Kiên Giang; hạn chế, bất cập, nguyên nhân trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Kiên Giang; giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Kiên Giang trong xu thế hội nhập hiện nay.
Qua tham luận, thảo luận, các tác giả, nhà khoa học đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Kiên Giang như: Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục xây dựng, bổ sung, thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, ngân sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; bố trí, sử dụng, quản lý khoa học đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, tay nghề cao…