Đề xuất nhiều cơ chế ưu đãi cho dự án điện năng lượng mới

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

Đáng chú ý, dự thảo đưa ra nhiều ưu đãi đặc biệt cho các dự án điện năng lượng mới gồm: Dự án điện năng lượng được sản xuất từ 100% hydrogen xanh hoặc 100% amoniac xanh hoặc 100% hỗn hợp của hai nguồn này; dự án cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; dự án đầu tiên cho từng loại hình điện năng lượng mới.

Bộ Công Thương đề xuất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương đề xuất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng. Giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 9 năm kể từ khi đưa vào vận hành.

Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng. Sau thời gian xây dựng việc miễn, giảm được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và đất đai.

Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 80% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 12 năm đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đề xuất chính sách ưu đãi, hỗ trợ dự án nguồn điện mặt trời và điện gió có hệ thống lưu trữ điện.

Theo đó, ưu tiên huy động nguồn điện theo quy định hiện hành về hệ thống điện và thị trường điện; Hệ thống lưu trữ điện của dự án điện từ nguồn điện mặt trời và điện gió là hàng hóa, sản phẩm được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật; Cơ chế ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ưu tiên, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển phù hợp công nghệ điện gió, điện mặt trời...

Tại dự thảo, Bộ Công Thương cũng đưa ra các quy định để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào điện gió ngoài khơi.

Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện như: Đã triển khai ít nhất 1 dự án điện gió ngoài khơi có quy mô tương đương tại Việt Nam hoặc trên thế giới; có năng lực tài chính, phương án huy động vốn hoặc cam kết cho vay, có nhân lực, chuyên môn, kinh nghiệm để triển khai dự án.

Có giá trị tổng tài sản ròng trong 3 năm gần nhất đã được kiểm toán lớn hơn tổng mức đầu tư dự kiến của dự án. Có sự tham gia của nhà đầu tư trong nước.

Và, đặc biệt tổng tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế tối đa 65%; có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

Việc chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Điện lực và được cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển đồng ý bằng văn bản.

Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-xuat-nhieu-co-che-uu-dai-cho-du-an-dien-nang-luong-moi-196241219162321337.htm
Zalo