Đề xuất mở rộng đối tượng phụ nữ trẻ, phụ nữ có khát vọng khởi nghiệp
Đây là một trong những nội dung ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, phát biểu tại Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 3/12 tại Hà Nội.
Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) được Chính phủ giao Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì triển khai sắp bước vào giai đoạn kết thúc năm 2025.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp Hội, sự ủng hộ nhiệt tình, trách nhiệm của các Bộ, sở, ban, ngành, các hoạt động thực hiện theo nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đã đạt được một số thành tựu nhất định. Trên cơ sở kết quả đạt được, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn các chuyên gia về định hướng, các mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, đề xuất, đối tượng của Đề án giai đoạn mới cần bổ sung phụ nữ trẻ, sinh viên mới ra trường có độ tuổi từ 18-30 và có khát vọng khởi nghiệp ở phạm vi trên toàn quốc. Ông Mạc Quốc Anh cũng đề xuất cân nhắc về các đối tượng hỗ trợ như Trường Đại học, Viện Nghiên cứu, các đối tác quốc tế để có chương trình đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp.
Về tầm nhìn của đề án, theo ông Mạc Quốc Anh, nên phân chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 2026-2030, tập trung vào các hoạt động đồng hành, hỗ trợ; giai đoạn 2031-2035, tập trung vào nhân rộng mô hình, tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ. Bên cạnh đó, cũng cần có các haojt động đánh giá hiệu quả của mô hình khởi nghiệp với những chỉ số doanh thu cụ thể.
Về nhiệm vụ giải pháp, ông Mạc Quốc Anh gợi mở 4 nhiệm vụ và giải pháp quan trọng cần tập trung cho giai đoạn tới.
- Một là, thành lập Ban Đề án từ Trung ương đến địa phương và có thể mời các chuyên gia nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ tham gia.
- Hai là, phát triển mạng lưới cố vấn.
- Ba là, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và quốc tế để phụ nữ khởi nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra lợi nhuận, doanh thu.
- Bốn là, tăng cường hỗ trợ pháp lý và chính sách, giải quyết câu chuyện về vốn, chính sách đào tạo về kỹ năng cho phụ nữ khởi nghiệp.
Sáng 3/12/2024, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, các tổ chức, đơn vị đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ khởi nghiệp và đại diện Hội LHPN các cấp.
Các thông tin giá trị, những chia sẻ hữu ích của buổi hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các giải pháp, hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp của phụ nữ theo hướng ngày càng đổi mới, sáng tạọ, bắt kịp với bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đất nước.