Đề xuất mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đề xuất mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Sáng 17/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tại Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ. Đồng thời, bổ sung một điều mới quy định về thủ tục hải quan cho hoạt động xuất khẩu tại chỗ và giao Bộ Tài chính quy định chi tiết.
Với dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) sẽ mở rộng phạm vi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình sửa đổi 7 dự án luật.
Phạm vi áp dụng sẽ bao gồm: Máy móc, thiết bị, phụ tùng vật tư chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất của tổ chức khoa học, công nghệ, tổ chức đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Luật Đầu tư (sửa đổi) bổ sung danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư đối với "đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng di động từ 5G trở lên và hạ tầng số khác trong lĩnh vực công nghệ chiến lược theo quyết định của Thủ tướng. Đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo... Bổ sung khu công nghệ số tập trung vào địa bàn ưu đãi đầu tư và bổ sung quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với các dự án đầu tư trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư về công nghệ chiến lược.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cơ quan .
Ngoài các ưu đãi, đáng chú ý, Luật Đấu thầu (sửa đổi) mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Cụ thể, áp dụng đối với gói thầu, dự án cần bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc có yêu cầu đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lớn, quan trọng, cấp bách.
Đối với hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Luật cho phép lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước (không phân biệt nguồn vốn sử dụng) và việc lựa chọn nhà thầu của đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 không sử dụng ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.

Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án 1 luật sửa 7 luật lĩnh vực tài chính, đầu tư, ngân sách sáng 17/5.
Thẩm tra tờ trình các dự án luật trên (còn gọi là 1 luật sửa 7 luật), đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí cao tán thành với việc sửa đổi các luật về lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách. Trong đó, tập trung về chế độ ưu đãi đối với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định cụ thể để bảo đảm chặt chẽ; tăng cường cơ chế giám sát, hậu kiểm, cơ chế xử lý các rủi ro phát sinh để bảo đảm minh bạch, tránh lợi dụng chính sách.
Với dự thảo luật đầu tư, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đánh giá dự thảo đã bổ sung quy định theo hướng cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu, dự án để áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư sẽ tạo điều kiện rút ngắn thời gian hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tuy vậy, ủy ban cảnh báo nguy cơ dẫn đến phát sinh cơ chế xin - cho, trục lợi chính sách, giao thầu, chỉ định thầu trong phạm vi hẹp cho doanh nghiệp thân hữu… và đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động.