Đề xuất miễn trách nhiệm với cán bộ 'dám nghĩ, dám làm' vì lợi ích chung
Cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm trong trường hợp hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nội dung trên được đề cập tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được Bộ Nội vụ lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: quochoi.vn)
Cán bộ bị "cách chức" trong trường hợp nào?
Dự thảo Luật lần này dành một chương quy định về vấn đề xử lý kỷ luật, với một số điểm mới được cơ quan soạn thảo đề xuất.
Về miễn trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, dự thảo Luật tiếp tục giữ nguyên 2 trường hợp được miễn trách nhiệm so với Luật Cán bộ, công chức hiện hành.
Bao gồm: Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành; Do bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề xuất thêm một trường hợp cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm là: "Hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".
Với các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, dự thảo Luật nêu rõ, cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong 5 hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm; xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm.
"Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ", dự thảo Luật nêu.
Cùng với đó, việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo Luật Cán bộ, công chức hiện hành, cán bộ bị xử lý kỷ luật bằng 4 hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Như vậy, so với quy định hiện hành, Bộ Nội vụ đề xuất thêm hình thức mới là xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm với cán bộ vi phạm.
5 hình thức kỷ luật với công chức
Về các hình thức kỷ luật đối với công chức, Bộ Nội vụ đề xuất công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong 5 hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo; cách chức; buộc thôi việc; xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm.
Còn Luật Cán bộ, công chức hiện hành, với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì các hình thức kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Trường hợp công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì không có hình thức kỷ luật giáng chức, cách chức, chỉ bao gồm 4 hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc.
Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nêu rõ, thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định, việc thực hiện các quy định khác liên quan đến kỷ luật cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.