Đề xuất miễn học phí cho sinh viên ngành Y khó khả thi, gây áp lực lên ngân sách
Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trong ngành Y, cần đảm bảo đãi ngộ cho sinh viên sau khi ra trường, đặc biệt là chế độ tiền lương.
Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu để sinh viên Y, Dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo, được cấp sinh hoạt phí trong thời gian học tập tương tự như chính sách hỗ trợ với sinh viên Sư phạm.
Việc này nhằm thu hút nhân lực, khi ngành Y đang thiếu về cả số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả trong phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến.
Học phí không phải nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nhân lực ngành Y
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thanh Bình - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Đại học, Trường Đại học Y Dược Thái Bình chia sẻ: "Tôi cho rằng đề xuất miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y, Dược cũng có những điểm hợp lý, cá nhân tôi cũng mong muốn những chính sách tốt cho sinh viên, tuy nhiên tính khả thi của đề xuất này không cao.
Hơn nữa, vấn đề học phí không phải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trong ngành Y. Mặc dù học phí của ngành này cao hơn những ngành học khác, nhưng mức độ chênh lệch không quá nhiều. Thậm chí, với một số cơ sở giáo dục đào tạo đã tự chủ hoàn toàn thì mức học phí có thể cao hơn so với học phí ngành Y".
Theo thầy Bình, thời gian học dài có thể là trở ngại khiến nhiều sinh viên không chọn theo đuổi ngành Y, nhất là khi muốn trở thành bác sĩ. Sau 6 năm, sinh viên chưa thể ngay lập tức hành nghề, cần tiếp tục học thêm chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 hoặc học Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Sinh viên mất khoảng tầm 10 năm để thực sự chững chạc bước vào công việc, sau đó vẫn tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng. Ngoài ra, mức lương và đãi ngộ cho họ cũng chưa thực sự tương ứng với công việc.
Bởi vậy, giải quyết vấn đề học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y không hẳn tạo ra tác động quá lớn. Sự hỗ trợ này sẽ có ảnh hưởng tốt đối với những chuyên ngành khó tuyển như Lao và bệnh phổi...
Dưới góc nhìn của Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Theo tôi, đề xuất hỗ trợ tiền đóng học phí và cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y thiếu tính khả thi, thậm chí không nên.
Vì thực tế, đa phần người theo học ngành này có khả năng chi trả. Hơn nữa, việc không đóng tiền có thể làm sinh viên sao nhãng, áp lực về mặt kinh tế đôi khi là động lực để các em phấn đấu.
Ngoài ra, điều này cũng sẽ gây áp lực cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học.
Nhìn xa hơn, không chỉ ngành Y đang thiếu nhân lực, các ngành khác như Khoa học cơ bản, Sư phạm cũng cùng chung tình trạng. Đặc biệt là vấn đề thừa nhân lực ở thành phố nhưng không đủ nhân lực ở vùng sâu, vùng xa”.
Thầy Thành khẳng định, nguyên nhân dẫn đến việc không đảm bảo nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực sức khỏe, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả trong phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn, không phải do vấn đề học phí mà nằm ở chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Có không ít sinh viên yêu thích các chuyên ngành như tâm thần, truyền nhiễm, lao, hồi sức cấp cứu nhưng không lựa chọn theo đuổi vì chế độ lương cho những ngành đặc biệt như trên không đảm bảo. Do đó, không thu hút được người học.
Yếu tố về tiền lương còn dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, sau khi đào tạo, sinh viên không làm đúng nghề vì mức lương không đủ trang trải cuộc sống.
Cần tập trung thay đổi cơ chế, chính sách về đãi ngộ, tiền lương
Để “gỡ rối” cho vấn đề nguồn nhân lực trong ngành Y, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thanh Bình đề xuất, có thể xem xét hỗ trợ học phí có sinh viên trong năm thứ 5 và thứ 6 để khuyến khích các em tiếp tục hoàn thành việc học.
Điều này cũng sẽ giải quyết được bất cập trong việc thực hiện chính sách theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Sinh viên mồ côi cả cha và mẹ hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi. Trong khi, sinh viên theo học ngành Y thường 24 tuổi mới tốt nghiệp.
Vấn đề tiếp theo là đảm bảo đãi ngộ cho sinh viên sau khi ra trường, được làm đúng vị trí việc làm, có chế độ phù hợp.
Đồng thời, cần xây dựng một hành lang pháp lý để bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế liên quan đến các vấn đề về tiếp xúc bệnh nhân, phòng chống bạo lực. Thực hiện được song song hai điều trên sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút nguồn nhân lực.
Còn theo quan điểm của Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thành: “Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là cần tập trung thay đổi cơ chế, chính sách, phải có sự phân chia rạch ròi và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, khi sinh viên năm nhất nhập học, các trường đại học phải nhắc lại điều này rõ ràng, tỉ mỉ như: cùng đào tạo trình độ đại học, cùng cơ sở giáo dục nhưng mức lương giữa các chuyên ngành, ngành, các khu vực có sự khác biệt, để các em nắm rõ, từ đó có định hướng cụ thể về công việc sau khi ra trường.
Ví dụ, mức lương dành cho người làm việc ở vùng sâu, vùng xa cần cao hơn (tối thiểu 3-4 lần) mức lương ở thành phố dù cùng theo học đại học chính quy, hoặc mức lương của sinh viên học 4 năm so với sinh viên học 6 năm phải chênh lệch rõ ràng.
Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế nên có sự phối hợp, cùng bàn bạc để tính toán mức lương hợp lý đối với từng vị trí việc làm, tránh tình trạng “cào bằng” dù tính chất công việc và yêu cầu đào tạo khác nhau, cần chia nhỏ chính sách về lương theo từng ngành, chuyên ngành, khu vực.
Chỉ khi giải quyết được vấn đề này, tình trạng “di cư” nguồn nhân lực, dẫn đến phân bổ không đều và thiếu người với các chuyên ngành khó tuyển mới được giải quyết.
Nếu xem xét hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, theo tôi, đối tượng nên được hưởng chế độ là sinh viên ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn và ưu tiên cho những đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần có cơ chế dành cho những người theo học chuyên ngành khó tuyển, vì vất vả lại quá chuyên sâu, không có nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập”.
Cần có điều kiện ràng buộc nếu tiếp nhận hỗ trợ về học phí, sinh hoạt phí
Tiến sĩ Đặng Việt Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Dược Hà Nội chia sẻ: "Nguyên tắc miễn giảm học phí đang thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP; tùy theo yêu cầu thực tiễn, mức độ cần thiết Chính phủ có thể tiến hành miễn giảm học phí cho người học thông qua việc đặt hàng, giao nhiệm vụ (hỗ trợ đóng hoặc đóng học phí cho người học).
Điều này tương tự như việc ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng. Việc áp dụng miễn giảm học phí cho ngành nghề nào, tùy theo ưu tiên của Nhà nước theo từng thời điểm; Nghị định 81/2021/NĐ-CP cũng đã có đề cập đến nguyên lý này.
Tất nhiên, khi nhận hỗ trợ của Chính phủ sẽ kèm điều kiện ràng buộc. Ví dụ, sau khi tốt nghiệp, sinh viên cần làm việc theo sự điều động, phân công của Chính phủ".
Đề cập thêm đến vấn đề nguồn nhân lực trong ngành Y, Dược, Tiến sĩ Đặng Việt Hùng khẳng định, điều quan trọng là nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực này, có đạo đức nghề nghiệp tốt; không theo đuổi số lượng.