Đề xuất luật hóa vấn đề dinh dưỡng học đường

Cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe và tầm vóc thế hệ trẻ, chuẩn hóa lĩnh vực dinh dưỡng học đường hiện đều là những thách thức lớn của Việt Nam. Theo các chuyên gia, về lâu dài, cần phải luật hóa các quy chuẩn về dinh dưỡng học đường, tạo hành lang pháp lý vững chắc và thống nhất trong quản lý lĩnh vực này.

Cô nuôi Trường mẫu giáo Hoa Hồng (quận Ba Đình, Hà Nội) thực hành chế biến món ăn cho trẻ. Ảnh: NTCC.

Cô nuôi Trường mẫu giáo Hoa Hồng (quận Ba Đình, Hà Nội) thực hành chế biến món ăn cho trẻ. Ảnh: NTCC.

Cần thiết phải luật hóa

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước vừa diễn ra, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH Thái Hương đã nêu sự cần thiết của việc xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường để góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt. Bà Hương dẫn chứng kinh nghiệm của Nhật Bản, từ năm 1954, nước này đã có Luật Dinh dưỡng học đường, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. Nhờ đó, tầm vóc của người Nhật đã được cải thiện đáng kể. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số 201 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dù thời gian qua đã có những cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới tầm vóc người Việt bởi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 86% chiều cao và thể chất của một đời người phát triển khi đến 12 tuổi. Để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời, việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng này là vô cùng quan trọng.

Trong thực tế, tại Việt Nam thời gian qua đã phát hiện nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận liên quan đến bữa ăn học đường như suất ăn lèo tèo, đồ ăn nhiễm khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, thậm chí có trường hợp gây tử vong. Những suất ăn chỉ có bún phở chan nước, cơm trộn với mì tôm dành cho trẻ bị phản ánh… Thậm chí, chính giáo viên trông trẻ cũng nhận được suất ăn gây sốc khi chỉ có cơm trắng và 2 miếng chả mỏng dù theo quy định, mỗi suất ăn trị giá tới 30.000 đồng.

Để ngăn chặn những bữa ăn thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như vậy, các chuyên gia bày tỏ đồng tình với việc cần có những quy định cụ thể liên quan đến bữa ăn học đường. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp trong việc xây dựng các hướng dẫn, thông tư, tài liệu và thực đơn về bữa ăn học đường. Trong đó có những khuyến nghị cụ thể về năng lượng, tỷ lệ các chất sinh năng lượng như bột đường, đạm và chất béo trong bữa ăn học đường.

Tuy vậy, vẫn còn những nội dung khác về dinh dưỡng học đường cần có quy định chặt chẽ. Bởi hiện nay các nhà trường, trừ cấp học mầm non là có biên chế riêng cho cô nuôi trẻ, đầu bếp thì phần lớn các trường phổ thông đều tổ chức bữa ăn qua một công ty khác đảm nhiệm việc lên thực đơn, lựa chọn nguyên liệu, chế biến và chia thức ăn mỗi suất. Vì chưa có biên chế cho vị trí việc làm là cử nhân dinh dưỡng nên phần lớn việc kiểm tra, giám sát của các trường về bữa ăn bán trú mới dừng lại ở việc kiểm tra thực phẩm có tươi sống, thực đơn có món gì, suất ăn có đủ no cho học sinh hay không mà chưa có kiến thức chuyên môn về dinh dưỡng cần thiết của mỗi khẩu phần ăn, song song với việc giáo dục dinh dưỡng cho học sinh.

Cân đối dinh dưỡng: Không thể lơ là

Phân tích về sự cần thiết của việc cân đối dinh dưỡng, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của mỗi đứa trẻ, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, hiện nay nhiều trường lựa chọn biện pháp đơn giản cho bữa ăn bán trú là chọn những thực phẩm an toàn.

Ví dụ như thịt lợn ăn với cơm. Tuy nhiên, nếu việc này kéo dài, trẻ quen với việc ăn đơn điệu thì khi lớn lên có nguy cơ chỉ ăn những thực phẩm đó. Việc ăn thực phẩm đơn điệu sẽ làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

Vì vậy, BS Sơn lưu ý về nguyên tắc bữa ăn học đường đó là một số thức ăn chính không lặp lại trong thực đơn trong vòng 4 tuần để trẻ được ăn đa dạng. Đơn cử nếu cũng là thịt lợn chỉ nên xuất hiện tối đa 3 lần/tuần và được chế biến khác nhau.

Một lưu ý quan trọng theo các chuyên gia, đó là cần chú trọng thức ăn theo mùa và thực phẩm có sẵn ở địa phương để đảm bảo sự tươi tốt. Đồng thời, còn các yếu tố giảm muối, giảm đường ngọt có lợi cho sự phát triển của trẻ.

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định. Trong đó 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% trường học ở khu vực nông thôn xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm.

Dẫu vậy, hiện chưa có các tiêu chuẩn cụ thể cho bữa ăn học đường với sự chuẩn hóa và kiểm soát bằng quy chuẩn; chưa có giá trị về giáo dục dinh dưỡng. Để thực sự đảm bảo an toàn, dinh dưỡng, tác động tích cực tới sự phát triển của trẻ, cải thiện tầm vóc người Việt thì việc xây dựng chính sách và tiến tới “luật hóa” dinh dưỡng học đường sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, các nhà trường, doanh nghiệp tham gia chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-xuat-luat-hoa-van-de-dinh-duong-hoc-duong-10290996.html
Zalo