Đề xuất làm cao tốc Nha Trang - Đà Lạt gần 30.000 tỉ

Phó Thủ tướng thống nhất nghiên cứu triển khai dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP, BOT.

Ngày 2-10, trao đổi với PLO, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đã thống nhất cùng UBND tỉnh Lâm Đồng nội dung đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), có sự hỗ trợ của nhà nước.

Hai tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa thống nhất cùng đề xuất

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với UBND hai tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng về tình hình triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt diễn ra hồi đầu tháng 9-2024 tại TP Đà Lạt.

Theo đó, Phó Thủ tướng thống nhất nghiên cứu triển khai dự án theo phương thức PPP, BOT để thu hút nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

 Quốc lộ 27C hiện hữu là tuyến độc đạo kết nối hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng. Ảnh: XUÂN HOÁT

Quốc lộ 27C hiện hữu là tuyến độc đạo kết nối hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng. Ảnh: XUÂN HOÁT

Phó Thủ tướng giao UBND hai tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa sớm thống nhất với Bộ Giao thông vận tải, có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định giao một địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải được giao chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, nhà đầu tư đề xuất dự án về thiết kế hướng tuyến, các giải pháp kỹ thuật xây dựng để đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động, ảnh hưởng đến rừng, tổng mức đầu tư, phương án tài chính, tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án, hiệu quả đầu tư, các thủ tục để triển khai dự án trước năm 2030.

Các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên- Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định; hướng dẫn các thủ tục về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương, nhà đầu tư đề xuất dự án các nội dung, thủ tục liên quan để sớm hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý dự án đi qua khu vực rừng đặc dụng, địa hình phức tạp, hiểm trở, chênh lệch độ cao lớn... cần phải có giải pháp về công nghệ, kỹ thuật phù hợp, tối ưu bảo đảm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến rừng đặc dụng, giảm chi phí đầu tư.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng phương tiện trọng tải lớn từ Tây Nguyên đến các cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ ngày càng cao.

Do đó, cần có một tuyến giao thông chất lượng cao, an toàn kết nối hai trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm quốc phòng - an ninh của khu vực; góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Do vậy, việc sớm đầu tư đường cao tốc này là rất cần thiết.

Báo cáo với Phó Thủ tướng tại buổi làm việc trên, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tính toán sơ bộ cho thấy dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt ảnh hưởng đến hơn 400 ha đất lâm nghiệp.

UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị doanh nghiệp đăng ký đầu tư dự án cần nghiên cứu các giải pháp thi công, phương án làm hầm chui… để giảm tối đa diện tích đất rừng bị ảnh hưởng.

Ông Nam kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai xây dựng dự án trước năm 2030; chấp thuận phương án nhà nước hỗ trợ 70% vốn ngân sách tham gia dự án để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Đồng thời, giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan thẩm quyền để kêu gọi đầu tư theo phương thức đầu tư PPP.

 Đèo Khánh Lê thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa. Ảnh: XUÂN HOÁT

Đèo Khánh Lê thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa. Ảnh: XUÂN HOÁT

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sau khi đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn khoảng 1,5 - 2 tiếng đồng hồ, so với hiện tại 3,5 - 4 tiếng đồng hồ. Qua đó, tạo động lực lớn thu hút du khách tham gia các tour du lịch kết nối biển, vùng núi, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết hiện bộ chưa có kế hoạch bố trí vốn đầu tư dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng đây là dự án cần thiết, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

Từ đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị hai tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng nghiên cứu, chuẩn bị kỹ kế hoạch đầu tư để tiến tới hình thành được chủ trương đầu tư. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải mới có thể giải quyết được một số kiến nghị của hai địa phương, nhà đầu tư cụ thể hơn.

Doanh nghiệp đề xuất làm cao tốc gần 30.000 tỉ

Quốc lộ 27C hiện là tuyến giao thông duy nhất nối TP Nha Trang với TP Đà Lạt. Trên tuyến này có đèo Khánh Lê dài khoảng 30 km có địa hình quanh co hiểm trở, không thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển trọng tải lớn. Ngoài ra, quốc lộ 27C thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa bão, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Theo tính toán của Tập đoàn Sơn Hải, đến năm 2030, lưu lượng xe trên đường nối Nha Trang - Đà Lạt khoảng 4.200- 4.500 xe loại 5 chỗ/ngày đêm. Điều này sẽ dẫn đến đường sẽ quá tải trước năm 2030.

 Lượng xe di chuyển trên quốc lộ 27C ngày càng tăng. Ảnh: XUÂN HOÁT

Lượng xe di chuyển trên quốc lộ 27C ngày càng tăng. Ảnh: XUÂN HOÁT

Theo đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải, dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại ngã ba Darahoa thuộc phường 12, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Cao tốc này dài khoảng 80 km, quy mô bốn làn xe, tốc độ thiết kế 80 km - 100km/giờ. Tổng vốn đầu tư dự án gần 30.000 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2024 đến 2028.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng và các bộ ngành hôm 4-9, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải, cho rằng dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt rất phức tạp nên có tổng mức đầu tư cao.

Tuy nhiên, người đứng đầu Tập đoàn Sơn Hải nói rất tâm huyết, mong muốn được đầu tư tuyến cao tốc này. Ông Hải cam kết sẽ đầu tư tuyến cao tốc này trở thành đường cao tốc vượt núi đẹp nhất Việt Nam, nếu được giao thực hiện dự án.

Xuân Hoát

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-lam-cao-toc-nha-trang-da-lat-gan-30000-ti-post812919.html
Zalo