Đề xuất làm cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận sau sáp nhập
Các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận thống nhất đề xuất các phương án đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối ba tỉnh, trong đó có phương án đầu tư tuyến cao tốc Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận sau khi sáp nhập.
Chiều 8/5, tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 4 của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông, ông Phạm Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này đã cung cấp thông tin về đề xuất định hướng quy hoạch, đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối ba tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận sau sáp nhập tỉnh.

Ông Phạm Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông thông tin tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo ông Mạnh, sau sáp nhập ba tỉnh, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến kết nối sẽ gia tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay các tuyến giao thông kết nối giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng nhỏ hẹp, quanh co,... Vì vậy, việc triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường này là hết sức cần thiết và cấp bách.
Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp làm việc với tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận về các nội dung liên quan đến định hướng quy hoạch, đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối gồm: đề xuất đầu tư xây dựng tuyến cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận; nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ 28, tuyến đường động lực kết nối Gia Nghĩa đi Bảo Lâm, Bảo Lộc.
"Tháng 4/2025, ba tỉnh đã thống nhất đề xuất Bộ Xây dựng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến đường cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận với tiến trình chuẩn bị đầu tư giai đoạn trước năm 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn sau năm 2030", ông Mạnh cho hay

Hiện nay, giao thông kết nối giữa Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận đi trên Quốc lộ 28 chật hẹp, đèo dốc gây mất an toàn giao thông. Ảnh: N.H
Cũng theo Phó giám đốc Sở Xây dựng, về đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm kết nối giữa ba tỉnh đề xuất hai phương án. Thứ nhất, Dự án đầu tư xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28, có điểm đầu tại Phan Thiết (giao QL1A, tỉnh Bình Thuận) và điểm cuối tại thị trấn EaTling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, giao đường Hồ Chí Minh), đi qua 3 tỉnh với chiều dài 310,8km. Hiện nay, quy mô là đường cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m.
Do tuyến đường được đầu tư đưa vào khai thác sử dụng từ lâu nên đã xuống cấp, quy mô nhỏ hẹp, không đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt là đoạn qua đèo Quảng Khê, đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 4 qua địa bàn tỉnh Đắk Nông và một số đoạn đèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, các xe có tải trọng lớn, xe khách lưu thông rất khó khăn.
"Ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận đã thống nhất, cùng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 28, chiều dài khoảng 308,3km, quy mô đường cấp III, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 7.700 tỷ đồng.
Trong trường hợp chưa cân đối được đủ nguồn vốn để đầu tư toàn tuyến, đề nghị phân kỳ ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28 đoạn Phan Thiết - Di Linh - Gia Nghĩa, chiều dài khoảng 197,3km, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.900 tỷ đồng, nhằm giúp địa phương từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng sau khi sáp nhập", Phó giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông nhấn mạnh

Một góc TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) chuẩn bị sáp nhập với tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Hùng
Đối với phương án đề xuất, Dự án xây dựng tuyến đường động lực Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Bảo Lâm (Lâm Đồng), đầu tư trước năm 2023. Tuyến kết nối mới này từ TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) đi huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) được đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn chiều dài cung đường từ Gia Nghĩa đi Bảo Lâm, Bảo Lộc khoảng 25km.
Tuyến đi tránh được toàn bộ các đoạn đèo dốc lớn, vực sâu trên tuyến Quốc lộ 28 (thuộc tỉnh Đắk Nông) cũng như các đoạn đèo dốc lớn, vực sâu trên tuyến thủy điện Đồng Nai 4 qua địa bàn hai tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng.
Bình đồ tuyến mới rất thuận lợi, tăng tốc độ lưu thông, rút ngắn thời gian di chuyển, thuận lợi cho việc vận chuyển Bôxit Alumin từ nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) sang nhà máy Nhân Cơ (Đắk Nông) và ngược lại. Nhằm tạo bước đột phá, khai thác được các tiềm năng phát triển địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau sáp nhập ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận và trụ Sở tỉnh Lâm Đồng mới sẽ đặt tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng hiện tại). Chính quyền tỉnh Lâm Đồng đang triển khai các phương án bố trí nơi làm việc và chỗ ở cho gần 900 cán bộ, công chức, viên chức từ hai tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông chuyển đến làm việc tại trung tâm hành chính mới.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đang xem xét bố trí phương tiện di chuyển cho cán bộ từ hai tỉnh đến Đà Lạt làm việc, với dự kiến tạm thời bố trí khoảng 10 xe 50 chỗ cho Đắk Nông, và 20 xe cho Bình Thuận, hoạt động vào ngày chủ nhật hoặc sáng thứ hai hằng tuần.