Đề xuất kinh phí công đoàn được sử dụng đầu tư xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định kinh phí công đoàn được sử dụng để 'đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê; nhà lưu trú cho đoàn viên công đoàn công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Bảo đảm vận hành bộ máy công đoàn không phụ thuộc vào ngân sách
Ngày 8/6, thảo luận tại tổ về Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn hiện hành nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập trong thời gian qua.
Đồng thời, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới.
Vấn đề phí công đoàn và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn đã được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) bày tỏ nhất trí về việc cần phải duy trì kinh phí công đoàn 2% như hiện nay. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần bổ sung quy định để công khai, minh bạch, đảm bảo kinh phí công đoàn 2% phục vụ tốt nhất cho người lao động.
Hiện nay, kinh phí công đoàn theo quy định là 2%. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, thời gian qua khi có dịch Covid-19, có ý kiến đề xuất giảm mức kinh phí công đoàn, tuy nhiên, việc duy trì kinh phí này trong mấy thập niên qua đã tương đối ổn định, bảo đảm việc vận hành bộ máy công đoàn không phụ thuộc vào ngân sách.
Mức thu này cũng không có tác động lớn đối với doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc duy trì cũng bảo đảm theo đúng kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến vấn đề này; bảo đảm nguồn lực để công đoàn thu hút, tập hợp đông đảo người lao động đến với tổ chức mình. Đồng thời, phương án phân chia được công đoàn tính toán rất hợp lý, trên cơ sở số người lao động tham gia vào tổ chức.
Đồng quan điểm cần giữ nguyên quy định phí công đoàn là 2%, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, nếu không duy trì quy định này, có nghĩa công đoàn sẽ phải tính đến một nguồn lực khác để nhận hỗ trợ.
Nói về một số hiệp hội, doanh nghiệp rằng khó khăn mà vẫn phải đóng thêm 2% kinh phí công đoàn, đại biểu cho biết, trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong 3 năm đại dịch Covid-19, số tiền Công đoàn bỏ ra để cùng với doanh nghiệp, cùng với Nhà nước chăm lo và hỗ trợ cho người lao động tại chính những đơn vị này là rất lớn.
“Việc duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2% là hợp lý và đảm bảo đủ điều kiện để công đoàn cùng với Đảng và Nhà nước, cùng chính quyền địa phương chăm lo cho người lao động tại các đơn vị, địa phương”, đại biểu phân tích.
Bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) cũng ủng hộ tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn 2%, nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động. Theo đại biểu, tài chính công đoàn độc lập, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước là một nội dung quan trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đã trở thành thông lệ.
So với yêu cầu chăm lo về vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tỷ lệ đóng 2% kinh phí công đoàn hiện nay là phù hợp, nhằm đảm bảo cho công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và có tích lũy để xử lý các tình huống đặc biệt (như hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, người lao động bị mất việc làm hàng loạt do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiên tai...). Theo kết quả nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%).
Cũng theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, qua khảo sát tại các công đoàn cơ sở, ở phần lớn công đoàn cơ sở doanh nghiệp, nhiều năm qua, ban chấp hành công đoàn đã công khai cho đoàn viên, người lao động biết danh mục quyền lợi (gồm cả mức chi) hàng năm mà họ được hưởng (ví dụ: thăm hỏi ốm đau, quà tết, chi các ngày lễ 8/3, 20/10, 1/6, Rằm Trung thu, Ngày Quốc tế Lao động…).
“Nếu giảm, có thể sẽ tạo nên cú sốc cho người lao động về việc phúc lợi giảm, ảnh hưởng đến việc thu hút, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn”, đại biểu nói.
Đầu tư nhà lưu trú cho đoàn viên công đoàn
Với hai phương án về phân phối kinh phí công đoàn, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Đoàn tỉnh Điện Biên) nhất trí với Phương án 2, quy định cụ thể tỷ lệ phân phối theo tỷ lệ công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đồng thời, quy định cụ thể cách thức phân phối kinh phí cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Về sử dụng kinh phí công đoàn, dự thảo Luật quy định kinh phí công đoàn được sử dụng để “Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê; nhà lưu trú cho đoàn viên công đoàn công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; các thiết chế công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động”.
“Tôi nhất trí với quy định kinh phí công đoàn được sử dụng để đầu tư nhà lưu trú cho đoàn viên công đoàn công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo. Đây là chính sách rất thiết thực, hiện nay đoàn viên công đoàn các xã vùng sâu, vùng xa khu vực biên giới, hải đảo còn rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về nhà ở.
Tuy nhiên, để quy định được rõ ràng, thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung giải thích khái niệm “nhà lưu trú cho đoàn viên công đoàn”; đồng thời, đối chiếu quy định này với quy định của Luật Nhà ở năm 2023 để đảm bảo sự đồng bộ, tương thích của hệ thống pháp luật”, đại biểu đoàn Điện Biên đề nghị.