Đề xuất không tăng ngột thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn

Tại phiên thảo luận: Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn do Viện nghiên cứu chính sách Kinh tế VEPR và Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức sáng 15/10, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất tăng thuế của Chính phủ. Tuy nhiên, các chuyên gia thuế, nhà nghiên cứu chính sách và đại biểu Quốc hội tại hội thảo cho rằng, cần tính toán kỹ lại về lộ trình và mức tăng thuế.

Dự thảo Thuế Tiêu thụ đặc biệt đang đề xuất 2 phương án tăng thuế đối với Bia và rượu trên 20 độ:
+ Phương án 1: tăng từ 65% hiện tại lên 70% vào năm 2026 và tăng đều 5% mỗi năm sau đó để đạt 90% vào 2030.
+ Phương án 2 : tăng từ 65% hiện tại lên 80% từ 2026 và tăng đều 5% mỗi năm sau đó để đạt 100% vào 2030.

Chia sẻ tại Tọa đàm, TS Nguyễn Minh Thảo cho biết bà cùng một nhóm chuyên gia kinh tế đang xây dựng 1 báo cáo đánh giá tác động của tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Mỗi phương án tăng thuế được tính toán trong tổng thể 21 ngành kinh tế trong chuỗi giá trị của ngành rượu bia, từ đó tính được tác động đến tăng trưởng GDP và cả thu nhập của lực lượng lao động trong chuỗi này. Theo tính toán, 2 phương án tăng thuế mà Chính phủ đề xuất sẽ ngay lập tức tác động nhiều chiều đến đến cả chuỗi.

Phân tích bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp bia rượu, các chuyên gia thuế cho rằng, phương án 2 – tăng ngay 15% trong năm đầu tiên là quá mạnh và ngoài sức chịu đựng của doanh nghiệp, từ đó, có thể gây ra các tác động ngược.

Còn Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm có thể tăng thuế dứt điểm một lần nhưng sau đó cần ngắt quãng vài năm để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi.

Dù còn quan điểm khác nhau về mức độ tăng thuế trong năm đầu, nhưng các đại biểu tham gia thảo luận đều nhất trí là chưa nên tăng thuế ngay năm 2026 trong bối cảnh doanh nghiệp đang nhiều khó khăn. Cùng với đó, cần tính toán kỹ lưỡng một lộ trình tăng thuế phù hợp, không quá đột ngột để người sản xuất có thể chuyển đổi kịp và người tiêu dùng có thể thích nghi dần, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho Ngân sách Nhà nước.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/de-xuat-khong-tang-ngot-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-con-239703.htm
Zalo