Đề xuất hơn 43.700 tỷ đồng làm cao tốc Quy Nhơn – Pleiku
Dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku được đề xuất xây dựng dài khoảng 125 km, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, kỳ vọng tạo đột phá hạ tầng, kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Sáng nay (19/5), Quốc hội sẽ nghe Tờ trình về chủ trương đầu tư hai Dự án đường bộ cao tốc quan trọng. Đó là dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.
Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài khoảng 125 km, đi qua địa phận 2 tỉnh là Bình Định (khoảng 40 km) và Gia Lai (khoảng 85 km). Quy mô tuyến gồm 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Tuyến đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài khoảng 125km. Nguồn: VGP
Với phương án trên, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 43.734 tỷ đồng, đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Nhu cầu sử dụng đất và phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án sơ bộ khoảng 942,15 ha.
Theo tính toán, dự án sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển tới 50% - 60%, kết nối các thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tạo không gian phát triển kinh tế trên hàng lang này. Từ đó tuyến đường góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng Tây Nguyên các tỉnh Gia Lai, Bình Định nói riêng và vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ nói chung. Chính phủ đề xuất 9 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho Dự án. Theo đó cơ bản các chính sách đặc thù, đặc biệt này đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với một số dự án quan trọng quốc gia trong thời gian qua.
Còn với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Chính phủ kiến nghị điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án tăng từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng (tăng 3.714 tỷ đồng); điều chỉnh nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 17.124 tỷ đồng (tăng 2.854 tỷ đồng), ngân sách Trung ương giai đoạn 2026-2030 là 4.427 tỷ đồng (tăng 860 tỷ đồng).
Tuần làm việc thứ 3: tiếp tục bàn công tác lập pháp
Công tác lập pháp tiếp tục là nội dung trọng tâm của Tuần làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (từ ngày 19 - 24/5/2025).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp sáng 17/5.
Trong tuần, Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng. Cụ thể, các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đáng chú ý, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua hai Nghị quyết gồm: Nghị quyết của Quốc hội về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết của Quốc hội về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.