Đề xuất hơn 2.800 khu phố, ấp tăng thêm ở TPHCM vào diện chăm lo Tết

Năm 2024 khi thực hiện sắp xếp các tổ dân phố, khu phố, ấp trên địa bàn, thành phố tăng thêm 2.827 khu phố, ấp, do đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đề xuất thành phố đưa các trường hợp này vào diện chăm lo Tết.

Tại Kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ cuối năm) khóa X vừa diễn ra, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thinh cho biết đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND TPHCM triển khai các hoạt động chăm lo Tết năm 2025 cho các đối tượng.

Theo kế hoạch, TPHCM sẽ tổ chức lễ viếng các nghĩa trang liệt sĩ; họp mặt cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ trí thức và các đối tượng chính sách. Tổ chức các đoàn thăm, chúc tết các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu, đối tượng bảo trợ xã hội; tặng quà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn; thực hiện chăm lo Tết cho công nhân, người lao động...

 Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Văn Thinh thông tin tại phiên thảo luận trong kỳ họp. Ảnh: Ngô Tùng

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Văn Thinh thông tin tại phiên thảo luận trong kỳ họp. Ảnh: Ngô Tùng

Theo ông Lê Văn Thinh, tổng kinh phí chăm lo Tết 2025 dự kiến là 975.000 tỷ đồng từ các nguồn như ngân sách Trung ương (khoảng 16,5 tỷ đồng), ngân sách thành phố (khoảng 908 tỷ đồng) và vận động, đến nay đã đạt hơn 50 tỷ đồng.

Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho công nhân và người lao động, với các hoạt động như: Chương trình “Tết sum vầy”, ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình, họp mặt đoàn viên, nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn, chương trình thăm, chúc Tết các doanh nghiệp, đoàn viên, lao động, gia đình đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Sở LĐ-TB&XH cũng tăng cường giám sát các hoạt động chăm lo Tết, trả lương, trả thưởng của các doanh nghiệp. Dự kiến đến ngày 15/12, TPHCM sẽ có kết quả báo cáo Bộ LĐ-TBXH và lãnh đạo TPHCM. Từ sau ngày 15/12 cho đến Tết, sở sẽ cùng các địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động chăm lo, trả lương trả thưởng cho công nhân.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, so với Tết năm ngoái 2024, năm nay công tác chăm lo có một số điểm mới. Trong đó, năm 2024, khi thực hiện sắp xếp các tổ dân phố, khu phố, ấp trên địa bàn, thành phố tăng thêm 2.827 khu phố, ấp. Do đó ngành LĐ-TB&XH thành phố đề xuất thành phố đưa các trường hợp này vào diện chăm lo Tết.

Tăng mức hỗ trợ

Tại phiên bế mạc kỳ họp vào ngày 11/12, HĐND TPHCM đã thống nhất chủ trương thực hiện một số chính sách mới hỗ trợ các trường hợp người có công, diện bảo trợ xã hội, người nghèo.

Trong đó, TPHCM tăng tiền hỗ trợ đối tượng xã hội mỗi tháng từ 480.000 đồng lên 600.000 đồng, áp dụng cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021 của Chính phủ. Người hưởng chính sách trợ giúp xã hội, gồm: trại viên Bệnh viện Bến Sắn; người ngưng hưởng chế độ mất sức lao động, chuyển sang hưởng trợ cấp thường xuyên; người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng khác có hoàn cảnh khó khăn theo Nghị quyết 35 của TPHCM và các đối tượng khác có liên quan.

Thực hiện chính sách mới này, TPHCM sẽ chi hơn 1.433 tỷ đồng/năm để chăm lo cho những đối tượng trên, tăng hơn 286,6 tỷ đồng/năm so với hiện nay.

Ngoài ra, TPHCM cũng “chốt” tăng tiền trợ cấp người có công, qua việc quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn. Mức hỗ trợ, trợ cấp thường xuyên hằng tháng bằng 1,5 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị định 77/2024 quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Chính sách áp dụng đối với thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn; bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn; thân nhân hưởng trợ cấp tuất hai liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn; thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng có hoàn cảnh khó khăn.

Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng có hoàn cảnh khó khăn; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn; con đẻ còn sống của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mà bản thân người con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn được xem xét chăm lo, hỗ trợ .

Ngô Tùng - Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-hon-2800-khu-pho-ap-tang-them-o-tphcm-vao-dien-cham-lo-tet-post1700039.tpo
Zalo