Đề xuất hình thành cơ quan điều tra khu vực; bổ sung quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng, Phó Trưởng Công an cấp xã

Đại biểu Quốc hội đề xuất hình thành cơ quan điều tra khu vực; đồng tình bổ sung quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an cấp xã.

Đồng tình bổ sung quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an cấp xã

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đề xuất hình thành cơ quan điều tra khu vực; đồng tình bổ sung quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an cấp xã.

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng như các luật khác có liên quan để đảm bảo tính thống nhất.

Về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên được bố trí là Trưởng Công an hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã, đa số đại biểu đồng tình với quy định này.

Bởi theo luật hiện hành, công an cấp huyện sẽ thực hiện nhiệm vụ điều tra viên, công an cấp xã chỉ thực hiện bảo vệ hiện trường.

Sau khi thực hiện sắp xếp không tổ chức công an cấp huyện, dự thảo luật sửa đổi theo hướng giao công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra viên là cần thiết.

Đề xuất hình thành cơ quan điều tra khu vực

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu một số khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ.

Trong đó khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can phải mang hồ sơ lên tỉnh trình ký duyệt sau đó mới chuyển qua viện kiểm soát phê chuẩn.

Do đó, đại biểu nghiên cứu đề xuất hình thành cơ quan điều tra các khu vực, có sự tương đồng với hoạt động cơ quan điều tra, truy tố, xét xử của tòa án và viện kiểm sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn TPHCM

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn TPHCM

Giao thêm thẩm quyền cho công an cấp xã phải đi đôi với việc xác định rõ tiêu chuẩn năng lực, chuyên môn

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh ủng hộ chủ trương tăng cường năng lực cho cấp cơ sở và việc bổ sung nhiệm vụ quyền hạn cho điều tra viên là Trưởng công an, Phó Trưởng công an cấp xã là phù hợp, đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng và quy định thật cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của lực lượng này sao cho phù hợp với năng lực của Công an cấp xã và đảm bảo hiệu quả thực chất trong công tác phòng, chống tội phạm.

“Việc giao thêm thẩm quyền cho công an cấp xã phải đi đôi với việc xác định rõ các tiêu chuẩn về năng lực và trình độ chuyên môn pháp lý tối thiểu đối với các điều tra viên.

Không chỉ đơn thuần là bố trí Điều tra viên từ cấp tỉnh về, mà còn cần có các chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, đặc biệt là các kỹ năng điều tra cơ bản, thu thập và đánh giá chứng cứ”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nêu quan điểm.

Phải đảm bảo đầy đủ nguồn lực, kinh phí hoạt động cho Công an cấp xã

Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và Viện trưởng Viện Kiểm sát có thẩm quyền đối với toàn bộ hoạt động khởi tố, điều tra của công an cấp xã.

Phải có cơ chế chỉ đạo nghiệp vụ rõ ràng và quy định về trách nhiệm liên đới của cấp trên để phòng ngừa sai phạm.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và kinh phí hoạt động cho Công an cấp xã để họ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới là điều kiện tiên quyết.

Đồng thời đề nghị cân nhắc lộ trình triển khai thận trọng, có thể thí điểm ở một số địa bàn, trước khi áp dụng rộng rãi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua thảo luận, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với nội dung sửa đổi luật.

Từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn rất phong phú trên các lĩnh vực công tác, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan điều tra, bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của điều tra viên được bố trí là trưởng hoặc phó, trưởng công an xã, vấn đề thẩm quyền của Tòa án khu vực, vấn đề thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành và thi hành án tử hình, vấn đề xét xử người vắng mặt, một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng từ ngữ, thuật ngữ, đảm bảo tính chính xác và đồng bộ.

Một số vấn đề cơ quan chủ trì soạn thảo chưa trình Quốc hội nhưng được các đại biểu Quốc hội quan tâm như: vấn đề dẫn độ, vấn đề người bảo chữa, các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và một số các vấn đề liên quan đến quy trình tố tụng.

Các đại biểu cũng đề cập cần tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội sửa toàn diện luật này. Đồng thời nghiên cứu đảm bảo sửa đồng bộ các luật khác trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Tại Phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, giải trình, làm rõ và cũng báo cáo thêm một số nội dung liên quan đến dự án luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự án luật với chất lượng cao nhất; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối Kỳ họp này./.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-hinh-thanh-co-quan-dieu-tra-khu-vuc-bo-sung-quyen-han-cua-dieu-tra-vien-la-truong-pho-truong-cong-an-cap-xa-119250527192408588.htm
Zalo