Đề xuất giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe pick-up

70% xe chở hàng cabin kép 'pick-up' lưu thông ở ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe này sẽ khiến ngân sách giảm thu khoảng 7.700 tỷ đồng, sản lượng tiêu thụ giảm 36% giai đoạn 2026 - 2030; đồng thời làm tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm, đặc biệt ở nông thôn, miền núi.

Xe pick-upkhôngphải là phương tiện cá nhân thông thường

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang đề xuất tăng thuế suất với xe pick-up, cụ thể là bằng 60% mức thuế suất áp dụng cho xe chở người 9 chỗ trở xuống có cùng dung tích xilanh. Chính sách này hướng tới mục tiêu bảo đảm công bằng giữa các dòng xe, khi xe pick-up có mức xả thải và kích thước tương đương hoặc lớn hơn xe con nhưng đang chịu thuế suất thấp hơn. Tăng thuế cũng giúp điều tiết tiêu dùng với dòng xe này, về lý thuyết có thể góp phần hạn chế các tác động tới môi trường và giảm thiểu ách tắc giao thông.

Tuy nhiên, đề xuất này nhận được phản ứng trái chiều của giới chuyên gia cũng như đại diện doanh nghiệp.

 Xe pick - up chủ yếu sử dụng ở vùng nông thôn, miền núi, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Ảnh: Hồng Loan

Xe pick - up chủ yếu sử dụng ở vùng nông thôn, miền núi, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Ảnh: Hồng Loan

Dẫn thực tế, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, xe pick-up có công năng chính là vận tải hàng hóa tại các khu vực có địa hình hiểm trở, khó tiếp cận bởi ô tô con và ô tô tải. Cụ thể, trong 5 năm qua, trên 70% người dùng xe pick-up đăng ký sử dụng ở các địa phương ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, đặc biệt ở vùng miền núi. Trong đó, các cơ quan doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 36%. Khách hàng cá nhân chiếm 64%, chủ yếu bao gồm các cá nhân kinh doanh tự do, nhân viên công ty, kỹ sư, nông dân… mua xe để phục vụ vận tải, kinh doanh thương mại với quy mô vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, xe pick-up cũng được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel… sử dụng trong quá trình thực hiện các hoạt động chuyên ngành hoặc các nhiệm vụ quốc gia. Trong đợt dịch Covid-19, xe pick-up cũng là phương tiện chủ chốt trong việc vận chuyển hàng thiết yếu và thiết bị y tế tới các vùng dịch.

“Với các đặc điểm và thực tế sử dụng như trên, có thể thấy, xe pick-up không được sử dụng như một phương tiện cá nhân thông thường, mà chủ yếu phục vụ hoạt động vận tải, kinh doanh vừa và nhỏ, hoạt động công vụ của các cơ quan chức năng. Do đó, xe pick-up nên được hưởng những ưu đãi nhất định về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với các dòng xe chở người thông thường”, VAMA đề xuất.

Nhiều hệ lụy khi tăng thuế

Theo giới phân tích, việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách nhà nước, tới ngành công nghiệp ô tô và tới người tiêu dùng. Kết quả tính toán của KPMG (một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới) và VAMA cho thấy, nếu đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe pick-up áp dụng từ năm 2026 thì giai đoạn 2026 - 2030 sẽ khiến nguồn thu ngân sách giảm hơn 7,6 nghìn tỷ đồng, mức tiêu thụ trên thị trường ô tô cũng sẽ giảm 36%.

Mặt khác, chính sách tăng thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất các dòng xe này, đặc biệt là tới các doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất, lắp ráp xe pick-up ở Việt Nam, thay vì nhập khẩu xe để phân phối. Nếu mức thuế tăng lên, các công ty này có thể sẽ phải cân nhắc tạm dừng hoặc thu hẹp dự án đầu tư để duy trì nguồn lực, kéo theo hàng nghìn công ăn việc làm bị ảnh hưởng.

Điều đáng lo ngại, các nhà đầu tư khác cũng sẽ cẩn trọng hơn trong việc đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, giảm cơ hội tiếp cận việc làm cho người lao động và gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Xe pick-up chở hàng cabin kép được sử dụng chủ yếu cho mục đích vận tải và di chuyển trong hoạt động kinh doanh thương mại của các công ty vừa và nhỏ (vốn chiếm phần lớn ở nước ta), hộ kinh doanh cá thể/gia đình, trong đó có những doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có địa hình hiểm trở khó tiếp cận.

“Việc tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt cho xe pick-up sẽ làm tăng giá bán xe và hạn chế khả năng tiếp cận của các đối tượng này, khiến họ phát sinh nhiều chi phí hơn để sở hữu xe, phải sử dụng xe đã qua sử dụng hoặc cân nhắc các loại hình phương tiện khác với mức chi phí phù hợp hơn. Về phía các cơ quan Chính phủ, các bộ, ban, ngành cũng sẽ phải cân nhắc hơn trong việc mua mới và sử dụng xe pick-up trong các mục đích vận tải và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị quốc gia”, VAMA lo ngại.

Mặt khác, xe pick-up chở hàng cabin kép thuộc nhóm mã số hàng hóa 8704 - xe có động cơ dùng để chở hàng, trong nhóm này duy nhất xe pick-up chở hàng cabin kép đã bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Với quy định hiện tại, xe pick-up chở hàng cabin kép đã bị phân biệt đối xử không bình đẳng với các loại xe chở hàng khác. Vì vậy, theo đánh giá của VAMA, việc đẩy mức chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của xe pick-up chở hàng cabin kép lên 60% của xe chở người 9 chỗ trở xuống làm cho việc phân biệt đối xử này trở nên quá khác biệt.

Chưa kể, mục tiêu tăng thuế để góp phần hạn chế các tác động tới môi trường và giảm thiểu ách tắc giao thông cũng khó đạt. Bởi lẽ, tỷ lệ sử dụng xe pick-up chở hàng cabin kép tại đô thị mặc dù có xu hướng gia tăng trong các năm gần đây, nhưng nếu so với xe con thì vẫn tương đối thấp. Do đó, việc hạn chế sử dụng xe pick-up chở hàng cabin kép có thể không mang lại nhiều ý nghĩa và tác động rõ rệt tới mục tiêu về môi trường và điều tiết giao thông đô thị.

Từ những phân tích trên, VAMA đề xuất giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe pick-up ở mức 15 - 25% như hiện nay.

Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý xe pick-up

Tại Indonesia, xe pick-up được phân loại riêng biệt trong hạng mục xe chở người và chịu mức thuế thuế hàng xa xỉ (tương đương thuế tiêu thụ đặc biệt tại Việt Nam) ưu đãi, dao động từ 10 - 30% tùy dung tích xi lanh và mức độ phát thải. Trong khi đó, đối với xe ô tô chở người từ tới 10 chỗ bao gồm cả tài xế chịu mức thuế suất cao hơn đáng kể từ 15 - 60%, tùy dung tích xi lanh và mức độ phát thải.

Tại Thái Lan, các xe bán tải cabin kép được phân loại riêng biệt so với các phương tiện chở người và chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp, từ 9 - 12% tùy dung tích xi lanh và mức độ phát thải. Trong khi đó, xe chở người dưới 10 chỗ ngồi chịu mức thuế suất từ 30 - 35% tùy dung tích xi lanh và mức độ phát thải.

Tại Malaysia, xe pick-up chở hàng cabin kép được phân loại là xe thương mại và được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/de-xuat-giu-nguyen-muc-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-xe-pick-up-post397066.html
Zalo