Đề xuất giữ nguyên hội đồng nhân dân cấp quận, phường, xã trên cả nước
Chiều 12/2, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trước Quốc hội.
Trong đó, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện hành, bao gồm cả Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) ở tất cả các cấp hành chính.
Theo tờ trình, việc sửa đổi luật nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Điều này giúp nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, đồng thời đảm bảo sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
![Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên họp chiều 12/2. Ảnh: Quang Phúc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_237_51459643/2beb87c2b08c59d2009d.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên họp chiều 12/2. Ảnh: Quang Phúc
Về mô hình tổ chức, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp, trừ trường hợp cụ thể do Quốc hội quy định. Điều này nhằm tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các nghị quyết của Quốc hội.
Trước đó, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 5/2, Chính phủ đã từng đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường, xã thuộc đô thị, chỉ duy trì UBND là cơ quan hành chính tại địa phương. Tuy nhiên, tại phiên họp này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng đây là một đề xuất mới, có sự khác biệt lớn so với mô hình hiện hành và không thống nhất với Luật Thủ đô. Do đó, ông đề nghị cần phân tích rõ tác động của đề xuất này, đồng thời báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quyết định thay đổi mô hình chính quyền địa phương.
Dự thảo luật cũng điều chỉnh theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND, đồng thời tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Theo đó, HĐND sẽ quy định nguyên tắc số lượng đại biểu trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định số lượng đại biểu, trong khi HĐND có quyền thành lập các ban chuyên trách, quyết định số lượng đại biểu chuyên trách và đưa ra các biện pháp giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp.
Với UBND, Chính phủ sẽ quy định số lượng phó chủ tịch các cấp, cơ cấu tổ chức và trách nhiệm cá nhân từng thành viên. Đồng thời, dự thảo cũng mở rộng nhiệm vụ và thẩm quyền của UBND để nâng cao hiệu quả điều hành.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, nhằm đảm bảo tính ổn định trong bộ máy nhà nước. Theo Ủy ban, điều này tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy chính trị tổng thể trước khi thực hiện đổi mới một cách đồng bộ.
![Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), chiều 12/2](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_237_51459643/37539f7aa834416a1825.jpg)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), chiều 12/2
Bên cạnh đó, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tiếp tục nhấn mạnh phân quyền, phân cấp trong bộ máy hành chính nhà nước. Theo tờ trình, việc sửa đổi lần này nhằm hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương, đảm bảo nguyên tắc phân định rõ thẩm quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng và bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Một điểm mới quan trọng trong dự thảo là quy định nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền giữa các cấp chính quyền. Việc này giúp tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi các luật chuyên ngành, đồng thời đảm bảo tính linh hoạt trong quản lý nhà nước. Theo đó, các điều khoản chuyển tiếp cũng được bổ sung, giao Chính phủ thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng, bộ trưởng hoặc chính quyền địa phương tùy theo yêu cầu thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhất trí với hướng sửa đổi toàn diện này, khẳng định nguyên tắc phân định thẩm quyền rõ ràng sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan. Ông cũng thống nhất với quan điểm Thủ tướng không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đảm bảo mỗi cơ quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn để đảm bảo tính khả thi, thống nhất trong việc thực hiện phân cấp giữa các cấp chính quyền. Việc sửa đổi hai luật tổ chức lần này là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành, đồng thời đảm bảo sự linh hoạt trong quản lý nhà nước.