Đề xuất giảm mức đóng BHYT

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, với phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng, mức đóng BHYT hiện nay được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển tương đồng.

Trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri các tỉnh Ninh Thuận, Hưng Yên, Thái Bình, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước, Phú Yên, TP.HCM... có ý kiến gửi Bộ Y tế về việc điều chỉnh mức đóng BHYT toàn dân.

Theo đó, cử tri cho rằng mức đóng BHYT toàn dân hiện nay tăng theo mức lương cơ sở (từ 972.000 đồng lên 1.263.600đồng/năm từ 1-7-2024). Trong khi đó, thu nhập của đa số bà con nông dân ở nông thôn và người lao động tự do còn thấp, đây cũng là mức quá cao so với những người buôn bán nhỏ lẻ.

Điều này dẫn đến việc vận động mua BHYT tự nguyện trong nhân dân gặp rất nhiều khó khăn vì đa phần người dân không làm trong cơ quan, xí nghiệp nên khi mức lương cơ bản tăng, kéo theo mức đóng BHYT tăng, khiến người dân khó có khả năng tham gia. Từ đó, gây giảm số lượng người tham gia BHYT, giảm độ bao phủ BHYT trên từng địa phương và cả nước.

Do vậy, cử tri các tỉnh kiến nghị Bộ Y tế xem xét trình cấp có thẩm quyền giảm mức đóng BHYT cho phù hợp để thu hút người dân tham gia BHYT và giảm bớt khó khăn về kinh phí khi tham gia.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong một phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong một phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: VGP

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trên cơ sở quy định của pháp luật, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng BHYT là 4,5% mức tiền lương hoặc lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.

Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia BHYT, Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Nghị định 75/2023/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT và Luật 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Tại điều 7, Nghị định 146/2018/NĐ-CP và điều 1, Luật 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung điều 13 của Luật BHYT cũng quy định mức đóng BHYT đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Ngoài ra, Nghị định 75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương trình HĐND tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, với phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng BHYT hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng.

Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia BHYT để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-giam-muc-dong-bhyt-post829855.html
Zalo