Đề xuất giảm hơn 600 tỷ đồng của 20 dự án không có khả năng giải ngân hết vốn
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đề xuất điều chỉnh giảm 615,298 tỷ đồng của 20 dự án không có khả năng giải ngân hết vốn đầu tư công đã giao trong năm 2024.
Chiều 11/11, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức phiên họp tháng 11 (lần 2) để xem xét, giải quyết một số nội dung, tờ trình các sở, ngành báo cáo.
Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và điều chỉnh, phân bổ kế hoạch năm 2024.
Về phương án điều chỉnh, phân bổ kế hoạch vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phân bổ 780,49 tỷ đồng cho 12 dự án cấp tỉnh đầu tư. Bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện 290,52 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện đầu tư 5 dự án (TP Hải Dương được 260,52 tỷ đồng thực hiện 3 dự án, huyện Ninh Giang được 30 tỷ đồng thực hiện 2 dự án). Còn lại 585,751 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kế hoạch vốn 5 năm 2021-2025 chưa phân bổ chi tiết là 93,646 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phân bổ 56 tỷ đồng hỗ trợ 13 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (2 tỷ đồng/xã) và 10 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (3 tỷ đồng/xã). Phân bổ 7 tỷ đồng cho 4 dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng chợ.
Kế hoạch vốn 5 năm 2021-2025 còn lại của chương trình là 30,646 tỷ đồng sẽ phân bổ chi tiết sau khi các dự án có đầy đủ điều kiện phân bổ theo quy định của pháp luật.
Đối với Đề án Phát triển hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, kế hoạch vốn 5 năm 2021- 2025 chưa phân bổ chi tiết là 260 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phân bổ 52,207 tỷ đồng cho 8 dự án (Kinh Môn 2 dự án 18,99 tỷ đồng; Gia Lộc 4 dự án 16,426 tỷ đồng; TP Hải Dương 2 dự án 16,791 tỷ đồng). Kế hoạch vốn 5 năm 2021-2025 còn lại của đề án này là 207,793 tỷ đồng, phân bổ chi tiết sau khi các dự án có đầy đủ điều kiện phân bổ theo quy định của pháp luật.
Về phương án điều chỉnh, phân bổ kế hoạch vốn năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh giảm 615,298 tỷ đồng của 20 dự án không có khả năng giải ngân hết vốn đã giao trong năm 2024.
Vốn điều chỉnh giảm trên, đề nghị phân bổ 399,519 tỷ đồng cho 16 dự án do cấp tỉnh đầu tư; bổ sung 215,779 tỷ đồng cho ngân sách cấp huyện để thực hiện các chương trình, đề án.
Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị giảm vốn của một số dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh để bổ sung cho các dự án còn thiếu vốn như dự án của Trại tạm giam Công an tỉnh, trụ sở Công an tỉnh, đường 395 huyện Bình Giang.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xin ý kiến tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng tiêu chí để có cơ sở hỗ trợ vốn các địa phương, bảo đảm công bằng, hợp lý.
Phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 11 (lần 2) cũng xem xét các nội dung đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương đối với hệ thống đê điều do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Hải Dương; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, tỉnh Hải Dương.