Đề xuất giải thể huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thuộc thành phố từ 1/7

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi đề xuất giải thể đơn vị hành chính huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thị trấn từ 1/7.

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã

Bộ Nội vụ cho biết đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5/2025.

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Cụ thể, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành (gồm: Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Cùng với đó, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp xã mới gồm: Xã, phường và đặc khu (ở hải đảo).

Dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.

Cùng với đề xuất các quy định về tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi còn có những quy định nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.

Để bảo đảm hoạt động của chính quyền địa phương khi chuyển đổi mô hình chính quyền sang 2 cấp liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn công việc, không để chồng chéo, dự thảo Luật quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1/7; Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các Luật, Nghị quyết của Quốc hội có liên quan.

Cụ thể, dự Luật nêu, giải thể đơn vị hành chính huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thị trấn từ ngày 1/7.

HĐND, các cơ quan thuộc HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động từ ngày 1/7, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 51 của dự Luật này.

Tổ chức chính quyền địa phương của thị trấn sau khi sắp xếp, giải thể thực hiện theo quy định tại Chương VI của dự Luật này.

Dự Luật cũng quy định chấm dứt việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện tại TP. Hà Nội, TP. HCM, TP. Đà Nẵng.

Cụ thể, từ ngày 1/7, dự Luật đề xuất bãi bỏ Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Bãi bỏ khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 137/2024/QH15 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Bãi bỏ Nghị quyết số 169/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.

Từ ngày 1/5/2026, đề xuất bãi bỏ bãi bỏ các điều 8, 11, 12, 13, điểm d khoản 4 Điều 9, các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 14 của Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2024/QH15, Luật số 55/2024/QH15, Luật số 57/2024/QH15 và Luật số 58/2024/QH15.

Bên cạnh đó, dự Luật cũng bãi bỏ Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; Bãi bỏ Khoản 2, khoản 3 Điều 9 và Điều 10 của Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Bãi bỏ Điều 7, Điều 8 của Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng từ 1/5/2026.

Đặc biệt, dự Luật còn quy định việc chuyển tiếp trong tổ chức chính quyền địa phương ở các phường tại TP. Hà Nội, TP. HCM, TP. Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2021-2026.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-giai-the-huyen-quan-thanh-pho-thuoc-tinh-thuoc-thanh-pho-tu-17-post608800.antd
Zalo