Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua 'Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới'
5 giải pháp đối với Hội LHPN các cấp và 4 giải pháp đối với hội viên, phụ nữ nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Phong trào thi đua 'Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới' đã được đề xuất tại Hội thảo khoa học cấp Bộ của Hội LHPN Việt Nam.
Đề tài nghiên cứu cấp Bộ năm 2024 Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" do Văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam thực hiện đã khảo sát trực tiếp tại 3 tỉnh: Cao Bằng, Gia Lai, Cà Mau và khảo sát online tại 63 Hội LHPN tỉnh, thành và 2 đơn vị. Đối tượng khảo sát gồm nhóm cán bộ Hội phụ nữ các cấp; hội viên, phụ nữ; cán bộ, lãnh đạo đại diện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội.
Nghiên cứu đã xem xét đánh giá các hoạt động triển khai thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" trên cơ sở 5 nội dung: (1) Hoạt động tập huấn về Phong trào thi đua cho cán bộ Hội các cấp; (2) Tổ chức phát động Phong trào thi đua; (3) Tổ chức tuyên truyền Phong trào thi đua; (4) Hoạt động biểu dương điển hình trong Phong trào thi đua; (5) Hoạt động đánh giá thực hiện tiêu chí, kiểm tra giám sát Phong trào thi đua.
100% Hội LHPN các tỉnh/thành cụ thể hóa các tiêu chí Phong trào thi đua phù hợp thực tiễn
Theo báo cáo nghiên cứu, thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" trong nửa đầu nhiệm kỳ 2022 - 2027, đã có 100% Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Phong trào thi đua, cụ thể hóa các tiêu chí của Phong trào thi đua cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Sáng 20/11/2024, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới". Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, lãnh đạo các ban/đơn vị thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam... tham dự Hội thảo.
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể ở các cấp: trung ương, tỉnh/thành Hội, Hội LHPN cơ sở và hội viên, phụ nữ nhằm nâng cao chất lượng triển khai thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới".
Đặc biệt, tại nhóm giải pháp đối với Trung ương, các đại biểu tập trung vào 6 điểm chính gồm: Công tác chỉ đạo chỉ đạo triển khai phong trào thi đua, công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai; Nâng cao năng lực; Phối hợp; Vận động nguồn lực.
Cụ thể: có 37 tỉnh/thành giữ nguyên các tiêu chí của Phong trào thi đua như phát động tại Đại hội, 28 tỉnh/thành đơn vị bổ sung, cụ thể các tiêu chí. Các tiêu chí được các tỉnh/thành lựa chọn bổ sung, cụ thể thêm hầu hết đều có nội hàm gắn với vai trò của người phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ ngưởi phụ nữ phát triển toàn diện, nâng cao kiến thức kỹ năng, khát vọng vươn lên phát triển kinh tế gia đình... như: năng động, sáng tạo, có kiến thức, đoàn kết, nghĩa tình, nhân ái, tự lực, tự cường, có ý chí khát vọng vươn lên... phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Bà Hoàng Anh Thơ, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài, cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai Phong trào thi đua một cách khá đồng bộ và đạt hiệu quả tốt ở hầu hết các hoạt động. Có 82,5% lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cho rằng, nội dung các tiêu chí của Phong trào thi đua phù hợp, thiết thực với hội viên, phụ nữ tại địa phương; có 17,5% cho rằng nội dung các tiêu chí mới chỉ phù hợp một phần.
Báo cáo nghiên cứu khẳng định, Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" đã được triển khai rộng khắp, đồng bộ. Việc xác định mục tiêu và lập kế hoạch triển khai Phong trào thi đua tạo cơ sở, nền tảng chiến lược tốt, giúp các cấp Hội có định hướng rõ ràng trong công tác triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, trên cơ sở thực tế, các cấp Hội cần cải thiện công tác phối hợp với các tổ chức khác trong quá trình thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, giám sát, đánh giá Phong trào thi đua.
Các đại biểu chia sẻ, thảo luận, đề xuất các giải pháp hực hiện hiệu quả Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới"
Đề xuất các nhóm giải pháp thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua giai đoan tiếp theo:
Từ khảo sát của mình, nhóm nghiên cứu của Văn phòng Trung ương Hội đã đề ra 5 nhóm giải pháp đối với Hội LHPN các cấp và 4 nhóm giải pháp đối với hội viên, phụ nữ.
5 giải pháp đối với Hội LHPN các cấp:
- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, triển khai thực hiện Phong trào thi đua; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, chọn triển khai thực hiện mô hình điểm, xây dựng các tiêu chí thực hiện Phong trào thi đua phù hợp, sát thực với tình hình địa phương, đơn vị. Chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức cùng cấp lồng ghép triển khai thực hiện Phong trào thi đua của Hội với các Phong trào thi đua đang triển khai tại địa phương, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc thực hiện Nghị quyết và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Huy động, vận động nguồn lực thực hiện. Tổ chức định kỳ công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện; chú trọng công tác khen thưởng, biểu dương để động viên phong trào; tuyên truyền các gương điển hình để nêu gương học tập.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia, hưởng ứng thực hiện Phong trào thi đua, giúp hội viên phụ nữ biết, hiểu để tự nguyện tham gia. Chú trọng xây dựng chuyên trang, chuyên mục đăng tải trên các kênh truyền thông; quan tâm xây dựng tài liệu truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu tuyên truyền để đảm bảo tính hấp dẫn, hiện đại. Tích cực tuyên truyền những cách làm hay, việc làm tốt, gương hội viên, phụ nữ tiêu biểu trong cộng đồng để tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Hình thành các cộng đồng/nhóm phụ nữ gắn với Phong trào thi đua trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội để hội viên, phụ nữ cùng nhau chia sẻ về Phong trào thi đua, kiến thức pháp luật, tri thức kinh doanh, kiến thức chăm sóc gia đình, về các môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe... Các chương trình cần có định hướng của Hội các cấp để lan truyền, thúc đẩy Phong trào thi đua tốt hơn.
- Chủ động tổ chức triển khai thực hiện Phong trào thi đua bằng các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu, nguyện vọng, xu hướng của đông đảo hội viên, phụ nữ tại địa phương; lựa chọn cụ thể hóa tiêu chí thi đua cho phù hợp với địa phương,… giải quyết những vấn đề mới, khó, vấn đề ưu tiên trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp Hội. Đặc biệt lưu ý các đối tượng phụ nữ, đặc điểm vùng miền để có hình thức tuyên truyền phù hợp (tranh ảnh, tờ rơi,...); không chung chung, không khiên cưỡng, không cào bằng trong đánh giá thực hiện, thi đua...
- Chú trọng mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội để có thể tham mưu, đề xuất, tổ chức hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, từng bước nâng cao chất lượng triển khai thực hiện Phong trào thi đua. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đặc biệt là phát huy vai trò của hội viên nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao vị thế cho hội viên, phụ nữ thông qua việc thực hiện Phong trào thi đua, xây dựng hình ảnh người phụ nữ thời đại mới.
- Mở rộng quan hệ phối hợp với các tổ chức, cá nhân; tăng cường vận động nguồn lực kinh phí để triển khai, thực hiện Phong trào thi đua; Tổ chức tham quan/giao lưu/học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành đã thực hiện thành công đề xuất chính sách hoặc có cách làm hay/giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả Phong trào thi đua.
Các đại biểu chia sẻ, thảo luận, đề xuất các giải pháp hực hiện hiệu quả Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới"
4 giải pháp đối với hội viên, phụ nữ:
- Tích cực tham gia thực hiện, hưởng ứng Phong trào thi đua, tham gia các hoạt động của Hội và địa phương phát động, triển khai.
- Tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu nội dung Phong trào thi đua để hiểu, nắm rõ ý nghĩa các tiêu chí của Phong trào và tự giác thực hiện.
- Lan tỏa ý nghĩa tích cực của việc thực hiện Phong trào thi đua tới nhiều phụ nữ và cộng đồng; đóng góp ý kiến, thể hiện nhu cầu, mong muốn đối với Phong trào thi đua và hoạt động Hội tổ chức ở địa phương. Thể hiện tốt vai trò nòng cốt thực hiện Phong trào thi đua.
- Nâng cao ý thức về trách nhiệm với bản thân, cộng đồng xã hội, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, cuộc truyền thông, các hoạt động Hội; nêu cao tinh thần tự giác học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phát huy thế mạnh của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, từng bước xây dựng hình ảnh người Phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại mới.
Phong trào thi đua"Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước với mục tiêu chính là khơi dậy tinh thần dân tộc, giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khát vọng vươn lên, thể hiện việc đóng góp nhiều hơn nữa công sức, trí tuệ vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
4 tiêu chí Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới"gồm:có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.