Đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực của Phật giáo trong tình hình mới

Các tham luận tại hội thảo đã khẳng định vai trò, vị thế, đóng góp quan trọng của Phật giáo trong đời sống người dân và sự phát triển của Hà Tĩnh qua các thời kỳ.

Sáng 17/12, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực của Phật giáo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới”.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền - Chủ nhiệm chuyên đề khoa học và Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Hải Nam chủ trì buổi hội thảo.

Tham dự có lãnh đạo các ban, ngành cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và tu sĩ Phật giáo trong và ngoài tỉnh.

 Đại biểu tham dự hội thảo.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Đề dẫn hội thảo do Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Hải Nam trình bày nhấn mạnh, Phật giáo có mặt ở Hà Tĩnh từ rất sớm và đóng góp quan trọng trong việc kiến tạo nên bề dày truyền thống và các giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc.

Sau thời kỳ bị gián đoạn bởi chiến tranh và các nguyên nhân khách quan, hơn một thập niên trở lại đây, Phật giáo ở Hà Tĩnh đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ.

 Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Hải Nam trình bày đề dẫn hội thảo.

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Hải Nam trình bày đề dẫn hội thảo.

Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 300 ngôi chùa có dấu tích Phật giáo, trong đó, có 7 chùa được công nhận di tích cấp quốc gia; 28 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh; có 1 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và 13 ban cấp huyện với khoảng 20.100 phật tử (chiếm khoảng 1,59% dân số toàn tỉnh); có 70 nhà sư trụ trì đã có quyết định bổ nhiệm chính thức.

Trải qua thăng trầm của lịch sử dân tộc, Phật giáo ở Hà Tĩnh không ngừng bám sát mục tiêu, đường hướng hành đạo “đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, có nhiều đóng góp khẳng định vị thế của mình trong xã hội và đời sống của Nhân dân.

Là bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, thời gian qua, Phật giáo đã đồng hành cùng chính quyền trong các cuộc vận động tham gia xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn.

 Giáo sư Lê Mạnh Thát - nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam trình bày tham luận về "Lịch sử Phật giáo Hà Tĩnh" và đề xuất các giải pháp phát huy nguồn lực của Phật giáo trên địa bàn Hà Tĩnh.

Giáo sư Lê Mạnh Thát - nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam trình bày tham luận về "Lịch sử Phật giáo Hà Tĩnh" và đề xuất các giải pháp phát huy nguồn lực của Phật giáo trên địa bàn Hà Tĩnh.

Ảnh hưởng của tư tưởng, triết lý Phật giáo đã lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nguồn lực Phật giáo góp phần tạo lập sự đoàn kết và đồng thuận xã hội; niềm tin tôn giáo đã tác động đến hành vi, đạo đức ứng xử của mỗi tín đồ và cộng đồng tôn giáo.

Hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực của Phật giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nguồn lực tôn giáo; góp phần đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

 Đại đức Thích Chúc Giác - Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Vũ Quang tham luận với chủ đề "Đóng góp của tổ chức Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh trong hoạt động từ thiện xã hội và bảo vệ môi trường".

Đại đức Thích Chúc Giác - Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Vũ Quang tham luận với chủ đề "Đóng góp của tổ chức Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh trong hoạt động từ thiện xã hội và bảo vệ môi trường".

Ban tổ chức đã nhận được hơn 30 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các tu sĩ Phật giáo trên địa bàn, trong đó có 10 tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo.

Các tham luận đã làm rõ lịch sử ra đời của Phật giáo Hà Tĩnh; những đóng góp của phật giáo qua từng giai đoạn lịch sử của dân tộc nói chung, Hà Tĩnh nói riêng; thực trạng, phát huy nguồn lực của Phật giáo ở Hà Tĩnh trên các lĩnh vực như xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoạt động từ thiện nhân đạo; phát triển du lịch…

Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo trong đời sống xã hội.

 Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền - Chủ nhiệm chuyên đề khoa học "Phát huy nguồn lực của Phật giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” kết luận hội thảo.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền - Chủ nhiệm chuyên đề khoa học "Phát huy nguồn lực của Phật giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” kết luận hội thảo.

Kết luận hội thảo, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền đánh giá cao những ý kiến tham luận của đại biểu tại hội thảo. Những ý kiến này đã làm rõ được những vấn đề cơ bản về nguồn lực, vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội; góp phần khẳng định chủ trương của Đảng về “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định, những ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội thảo là giải pháp để các địa phương, ban, ngành tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng. Đây cũng là cơ sở khoa học để Hà Tĩnh phát huy nguồn lực của Phật giáo trong đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc, tà đạo, lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/de-xuat-giai-phap-phat-huy-nguon-luc-cua-phat-giao-trong-tinh-hinh-moi-post279325.html
Zalo