Đề xuất giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp

Tại hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp do Cục Dân số Bộ Y tế vừa phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Merck Healthcare Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, phát triển dân số bền vững.

Theo báo cáo triển vọng dân số thế giới năm 2024 của Liên Hiệp quốc, phụ nữ ngày nay sinh ít hơn trung bình một con so với năm 1990. Hiện tại, mức sinh toàn cầu là 2,3 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,3 con/phụ nữ vào năm 1990. Hơn một nửa các quốc gia và khu vực trên toàn cầu có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); trong khi mức sinh thay thế - mức cần thiết để duy trì quy mô không đổi trong thời gian dài mà không cần di cư.

Mức sinh thấp kéo dài tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh, suy giảm quy mô dân số ảnh hưởng đến sự phát triển dân số bền vững.

Hiện trên toàn cầu có khoảng 55 quốc gia có chính sách nâng mức sinh. Tuy nhiên, việc nâng mức sinh tại các quốc gia có mức sinh rất thấp hầu như chưa mang lại kết quả khả quan.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân (đứng) - đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại hội thảo.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân (đứng) - đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại hội thảo.

Thời gian qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế. Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007 đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong gần 40 năm đổi mới.

Tuy nhiên, mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm xuống dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (năm 2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (năm 2022) và năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Hiện nay, mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao thì hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí một số tỉnh có mức sinh rất thấp. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững của Việt Nam.

Mức sinh khu vực thành thị luôn thấp hơn mức 2 con/phụ nữ và gần như thay đổi không đáng kể trong gần 2 thập kỷ qua (xoay quanh mức 1,7-1,8 con/phụ nữ). Mức sinh khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,57 con/phụ nữ (năm 1999) xuống 2,2 con/phụ nữ (năm 2019) và giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ (năm 2023).

Giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ đặt ra đối với Việt Nam là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là mục tiêu quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp được tổ chức trong bối cảnh Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp để bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia.

Đến dự và phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng kinh tế gần như là yếu tố đầu tiên khi được đề cập nguyên nhân kết hôn muộn và sinh ít con.

Các yếu tố thu nhập, điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích được việc lập gia đình và mỗi gia đình có thể sinh được 2 con; không tạo ra xung đột giữa việc làm và gia đình, có con. Cần có chính sách hỗ trợ người lao động mua nhà, rút ngắn thời gian làm việc.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh để phát triển dân số bền vững, mỗi gia đình sinh được 2 con, thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con). Cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. “Hãy làm cho việc kết hôn và sinh con hạnh phúc. Nếu có chính sách đột phá, nhiều năm nữa thanh niên Việt Nam vẫn còn muốn kết hôn và sinh con”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân nói.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Cục Dân số tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu trao đổi, thảo luận tại hội thảo làm cơ sở để tham mưu, đề xuất các giải pháp can thiệp ứng phó với mức sinh thấp mang tính khả thi, hiệu quả trong thời gian tới, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, nhất là trong xây dựng dự thảo Luật Dân số và khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số trình Quốc hội.

Trước xu hướng biến động mức sinh hiện nay, Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể ứng phó, ngăn chặn xu hướng giảm sinh nhằm bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia. Quan điểm, kinh nghiệm thực thi các chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước trên thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương là những bài học thực tế quý báu đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách.

Bài và ảnh: TUẤN NGHĨA

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/de-xuat-giai-phap-ngan-chan-xu-huong-muc-sinh-thap-22142.html
Zalo