Đề xuất đưa quy định về chính sách tiền lương cho nhà giáo vào Luật
Sáng 25/9, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Nhà giáo.
Trình bày tờ trình Dự án Luật, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, so với quy định hiện hành, đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Nhà giáo là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài.
Trong đó, quy định việc tuyển dụng nhà giáo bắt buộc phải thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo. Dự án Luật Nhà giáo cũng phân cấp cho các cơ sở giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo, nhằm tăng tính chủ động của cơ sở giáo dục trong tuyển dụng nhà giáo, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về việc thừa hoặc thiếu giáo viên.
Quy định về chế độ tập sự đối với người trúng tuyển trở thành nhà giáo theo hướng: chế độ tập sự là bắt buộc; thời gian tập sự là 6 tháng đối với giáo viên mầm non, 9 tháng đối với nhà giáo khác; trường hợp trước khi tuyển dụng đã có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, được tuyển dụng đặc cách thì được xem xét miễn, giảm thời gian tập sự.
Quy định về hợp đồng dạy học bao gồm hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn. Quy định chính sách tiền lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Về chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian công tác đối với nhà giáo, dự thảo Luật quy định riêng giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 5 năm theo quy định về tuổi nghỉ hưu nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non và phù hợp với hiện trạng điều kiện lao động của giáo viên mầm non.
Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo, có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định này đối với một số loại hình cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có quy mô nhỏ; việc thay đổi thẩm quyền, phương thức tuyển dụng nhà giáo so với quy định của Luật Viên chức sẽ khó điều động, bổ nhiệm nhà giáo sang các chức danh nghề nghiệp khác.
Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh của nhà giáo công lập. Đề nghị xem xét tính khả thi của quy định này.
Thảo luận về Dự án Luật, về độ tuổi nghỉ hưu, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ đồng tình với quy định giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 5 năm theo quy định về tuổi nghỉ hưu.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, đây là luật mới hoàn toàn, cần bảo đảm các quy định của Dự án Luật không trùng lặp với các quy định pháp luật khác.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tính toán thận trọng, bảo đảm đột phá về chính sách, không phá vỡ cấu trúc pháp luật hiện hành. Quy định nào “chưa chín, chưa rõ”, chưa được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh, chưa đủ điều kiện thì có thể tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục và các nghị định, thông tư để bảo đảm tính khả thi, trọng tâm, trọng điểm.