Đề xuất đưa nước sinh hoạt, điện ra khỏi danh sách chịu thuế

Cử tri An Giang, Tiền Giang đề xuất áp dụng mức thuế VAT 0% cho nước sạch sinh hoạt và điện, vì đây là những sản phẩm thiết yếu, liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội và cần được ưu tiên.

Trong nội dung kiến nghị gửi Bộ Tài chính trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri An Giang và Tiền Giang phản ánh rằng một số mặt hàng như vật tư nông nghiệp, xăng dầu, điện, nước sinh hoạt hiện đang chịu thuế VAT ở mức 8%, mức này được cho là cao hơn so với thu nhập trung bình của người dân. Do đó, cử tri đề xuất tiếp tục điều chỉnh giảm thuế VAT cho các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp và xem xét miễn thuế VAT cho điện và nước sinh hoạt.

Trả lời cử tri, Bộ Tài chính cho biết, thuế suất VAT đối với hàng hóa và dịch vụ chịu thuế được quy định rõ ràng trong Luật Thuế VAT (thuộc thẩm quyền của Quốc hội), và luật này không quy định việc miễn hay giảm thuế giá trị gia tăng.

Cử tri kiến nghị xem xét bỏ thuế VAT cho nước sinh hoạt.

Cử tri kiến nghị xem xét bỏ thuế VAT cho nước sinh hoạt.

Thuế VAT được thu theo loại hàng hóa và dịch vụ, không phân biệt theo mục đích hay đối tượng sử dụng. Luật Thuế VAT không quy định về việc miễn, giảm thuế VAT, mà chỉ có ba mức thuế suất: 0%, 5% và 10%.

Cụ thể, thuế suất 0% được áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (theo thông lệ quốc tế). Thuế suất 5% áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống và đầu vào sản xuất nông nghiệp. Thuế suất 10% áp dụng cho các hàng hóa, dịch vụ thông thường khác.

Về mặt hàng điện và nước sinh hoạt, Bộ Tài chính cho biết điện thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%, còn nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt chịu thuế 5%.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực điện, bao gồm cả giá điện.

Cùng với việc từng bước điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người dân. Cụ thể, hộ sinh hoạt sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hưởng giá bán bằng 92% giá điện bình quân, và các hộ sử dụng dưới 100 kWh/tháng hưởng giá bán điện khoảng 95% giá điện bình quân. Đặc biệt, các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện tương đương 30 kWh theo mức giá bậc 1 hiện hành.

Đối với vật tư nông nghiệp và các sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp, Bộ Tài chính cho biết Luật Thuế VAT đã quy định nhiều ưu đãi ở mức cao. Cụ thể, theo quy định hiện hành, các sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng và đánh bắt, chưa qua chế biến hoặc chỉ sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất và bán ra, cùng các sản phẩm nhập khẩu tương tự đều thuộc diện không chịu thuế VAT. Đối với các sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, ngoại trừ gỗ và măng, mức thuế suất ưu đãi là 5% (thay vì mức thuế suất thông thường 10%).

Ngoài ra, nhiều hàng hóa dùng làm đầu vào hoặc liên quan đến dịch vụ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp cũng thuộc diện không chịu thuế, như giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng, tàu đánh bắt xa bờ, thức ăn gia súc, gia cầm và vật nuôi khác. Một số mặt hàng khác như quặng để sản xuất phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, chất kích thích tăng trưởng cây trồng và vật nuôi được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 5%.

Hàng hóa xuất khẩu, bao gồm các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, được áp dụng thuế suất VAT 0%, và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xuất khẩu nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được hoàn thuế VAT đầu vào theo quy định của Luật Thuế VAT.

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mua các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến hoặc sơ chế và bán lại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khác, không phải kê khai và nộp thuế VAT, nhưng được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Trong trường hợp bán cho hộ kinh doanh, cá nhân và tổ chức khác, phải kê khai và tính nộp thuế VAT với mức thuế suất 5% hoặc 1% trên doanh thu.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/de-xuat-dua-nuoc-sinh-hoat-dien-ra-khoi-danh-sach-chiu-thue-1102111.html
Zalo