Đề xuất đầu tư mở rộng hai tuyến cao tốc phía Bắc theo phương thức PPP

Hai tuyến cao tốc đoạn Nội Bài - Bắc Ninh và Hà Nội - Thái Nguyên được các doanh nghiệp đề xuất 'rót vốn' đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất đầu tư nâng cấp mở rộng cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long đoạn Nội Bài - Bắc Ninh theo phương thức PPP.

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Theo Tập đoàn Đèo Cả, hiện nay QL18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh có chiều dài khoảng 30km đã được đầu tư quy mô 4 làn xe từ năm 2004.

Đoạn tuyến này đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long mà còn với toàn bộ hệ thống giao thông khu vực.

Đây là tuyến kết nối các cao tốc trọng yếu của khu vực phía Bắc, bao gồm: cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang.

Tuyến đường này cũng kết nối với hệ thống quốc lộ quan trọng như: QL18, QL1, QL3, cũng như các trục giao thông đô thị lớn như đường Võ Văn Kiệt, đường Võ Nguyên Giáp trong vùng Thủ đô.

Thực hiện quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, việc đầu tư nâng cấp mở rộng cao tốc CT09 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh đảm bảo quy mô đầu tư hoàn thiện 6 làn xe với tiến trình đầu tư trước năm 2030 là hết sức cần thiết.

Trên cơ sở phân tích, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất Bộ Xây dựng chấp thuận cho tập đoàn là nhà đầu tư lập đề xuất dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh theo phương thức PPP.

Tập đoàn Đèo Cả cam kết bố trí đủ kinh phí để thực hiện công tác lập, hoàn thành hồ sơ đề xuất dự án trong 3 tháng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, sẵn sàng tiếp nhận các kết quả nghiên cứu trước đây liên quan đến dự án từ các cơ quan Nhà nước (nếu có).

Trước đó, ngày 10/3, Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) đã gửi văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận cho doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên theo phương thức PPP.

Báo cáo cấp có thẩm quyền, Phương Thành Tranconsin cho biết, tuyến cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên bao gồm 2 phân đoạn.

Đoạn 1 từ nút giao Ninh Hiệp (giao với QL1A mới về phía Bắc cầu Phù Đổng) đến nút giao Tân Lập được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chỉnh phủ Việt Nam.

Đoạn 2 từ nút giao Tân Lập đến nút giao Tân Long được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ; dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng năm 2014.

Tuyến cao tốc có tổng chiều dài gần 71km, đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Quy mô đoạn Hà Nội (Km0+00) - Sóc Sơn (Km25+680) là đường cao tốc loại A, 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100km/h.

Đoạn Sóc Sơn (Km25+680) - Thái Nguyên (Km61+250) quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80km/h, mặt cắt ngang 2 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, điều chỉnh vị trí vạch sơn thành 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường ô tô với 2 làn dừng khẩn cấp.

Đoạn Km61+250 - Km62+410 quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80km/h.

Đoạn Tân Lập (Km62+410) - Tân Long (Km70+600) quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100km/h.

Theo Quyết định số 1454 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc CT.07 Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng có quy mô 4-6 làn xe hoàn chỉnh.

Trong đó, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên quy mô 6 làn xe và thời gian đầu tư trước năm 2030.

"Như vậy, hiện tại tuyến cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên chưa đủ quy mô theo quy hoạch. Riêng đoạn Sóc Sơn (Km25+680) - Thái Nguyên (Km61+250) chưa đạt quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh", văn bản nêu.

Cũng theo Phương Thành Tranconsin, quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại gắn với phát triển bền vững; phát triển, mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển 41 cụm công nghiệp.

Thái Nguyên còn tập trung phát triển du lịch dựa trên thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với lịch sử, văn hóa, tâm linh, các khu du lịch. Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên thành đường cao tốc hoàn chỉnh là hết sức cần thiết.

Mặt khác, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nâng cấp, mở rộng tuyến đường bộ cao tốc CT.07 Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng đoạn qua địa bàn tỉnh, bảo đảm phù hợp với quy hoạch.

Trên cơ sở quy định của pháp luật, Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng chấp thuận cho công ty là nhà đầu tư lập đề xuất dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc 6 làn xe hoàn chỉnh, theo hình thức đối tác công tư bằng chi phí của nhà đầu tư.

"Nhà đầu tư cam kết hoàn thành hồ sơ lập đề xuất dự án trong 4 tháng, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và sẽ tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư", Phương Thành Tranconsin khẳng định.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-dau-tu-mo-rong-hai-tuyen-cao-toc-phia-bac-theo-phuong-thuc-ppp-192250407161614803.htm
Zalo