Đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam lên 6 làn xe
Bộ Xây dựng mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025 theo quy mô cao tốc hoàn chỉnh với chiều dài khoảng 1.144km, sơ bộ tổng mức đầu tư ước 152.135 tỷ đồng...

Km34 dự án thành phần cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Ảnh Minh Văn
Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, hiện nay, các dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025 có 1.163km đã và đang đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế (bề rộng nền đường 17m); 99km đang khai thác với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; 113km đang đầu tư mở rộng quy mô cao tốc 4-6 làn xe.
Căn cứ thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, nhu cầu vận tải trong thời gian tới dự kiến sẽ tăng nhanh, điều kiện nguồn lực không phải trở ngại lớn trong khi yêu cầu hoàn chỉnh đồng bộ, hiện đại tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng thể phương án đầu tư nâng cấp các tuyến cao tốc có quy mô phân kỳ, trong đó kiến nghị ưu tiên nâng cấp, hoàn thiện các tuyến cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe hạn chế có nhu cầu vận tải tăng cao.
Việc cần xem xét mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải tăng, phù hợp với tăng trưởng GDP của đất nước phấn đấu trên 10% trở lên; nâng cao năng lực khai thác, tăng cường an toàn giao thông.
Các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư mở rộng sẽ tạo ra thị trường xây dựng, công ăn việc làm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi xác định lại các mục tiêu đột phá, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; có thể sớm giải ngân được nguồn vốn trong năm 2025-2026; tạo ra tuyến đường có chất lượng dịch vụ khai thác tiện nghi, an toàn.
Ngoài ra, các dự án cao tốc này cũng tận dụng điều kiện sẵn có về giải phóng mặt bằng thuận lợi cho thi công. Đối với cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đang thi công có thể tận dụng về phương tiện, máy móc, nhân lực, lán trại sẵn có trên công trường để giảm được các chi phí liên quan huy động, giải thể công trường so với việc đầu tư sau này. Đồng thời, tận dụng được các mỏ vật liệu có sẵn đang cung cấp cho dự án do thủ tục đóng/mở mỏ vật liệu xây dựng mất nhiều thời gian, chi phí, trường hợp mở rộng giai đoạn sau sẽ phát sinh các thủ tục, chi phí này.
Tổng mức đầu tư hơn 152.000 tỷ đồng
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, phương án mở rộng lên 6 làn xe có nhiều ưu điểm hơn so với phương án mở rộng lên 4 làn xe hoàn chỉnh, trong trường hợp đầu tư, Bộ Xây dựng kiến nghị mở rộng lên 6 làn xe theo quy mô quy hoạch.
Về phạm vi, để thuận lợi cho công tác thi công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân, phù hợp với nhu cầu vận tải, trước mắt Bộ Xây dựng xem xét trong phạm vi cao tốc Bắc - Nam phía Đông thuộc đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, chiều dài đầu tư khoảng 1.144km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 152.135 tỷ đồng.
Khi điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phạm vi bao gồm cả giai đoạn 1 để áp dụng chung các cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ, tận dụng nguồn nhân lực sẵn có tại công trường.
Bộ Xây dựng cũng đưa ra tiến độ dự kiến sau khi được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ báo cáo Bộ Chính trị chủ trương đầu tư mở rộng tháng 4/2025; phê duyệt chủ trương/điều chỉnh chủ trương đầu tư tháng 6/2025 (trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025); phê duyệt dự án thành phần tháng 9/2025; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán tháng 11/2025 và khởi công dự án quý IV/2025.
Với tiến độ nêu trên, Bộ Xây dựng dự kiến năm 2025 sẽ giải ngân khoảng 23.000 - 35.000 tỷ đồng; phần còn lại tiếp tục giải ngân trong giai đoạn 2026-2027.
VEC rà soát, đánh giá khả năng huy động vốn tham gia đầu tư các tuyến cao tốc
Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về phương án đầu tư 2 tuyến đường bộ cao tốc do đơn vị này quản lý gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình và Yên Bái - Lào Cai. Theo đó, VEC rà soát, đánh giá khả năng huy động vốn tham gia đầu tư các tuyến cao tốc nêu trên, tính toán khả năng trả nợ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ, tính khả thi phương án tài chính của 2 dự án nói riêng và 5 dự án do VEC đang quản lý, khai thác; sự phù hợp với phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Bộ Xây dựng yêu cầu VEC xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư các dự án trên trong trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận đề xuất VEC góp vốn đầu tư, trong đó có Dự án mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai khởi công trong năm 2025.