Đề xuất đầu tư hơn 203.000 tỷ đồng làm đường sắt kết nối với Trung Quốc
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Hướng tuyến ngắn nhất, thẳng nhất có thể
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, dự án có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng.
![Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_30_51441211/22238886bcc855960cd9.jpg)
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km.
Dự án đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD).
Để chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn, Chính phủ kiến nghị nguồn vốn cho dự án gồm Ngân sách Nhà nước (Trung ương, địa phương), nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về mục tiêu đầu tư, việc xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đồng thời, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng bảo đảm kết nối hiệu quả mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa; tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai Mới đến ga Nam Hải Phòng tốc độ thiết kế 160km/h, đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120km/h, các đoạn nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80km/h.
Chính phủ đề xuất giải phóng mặt bằng đoạn tuyến chính theo quy mô đường đôi, phân kỳ đầu tư trước mắt theo quy mô đường đơn.
Về công nghệ, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực tập trung cho tàu khách và tàu hàng; hệ thống thông tin, tín hiệu tương đương với hệ thống đang sử dụng tại một số tuyến đường sắt vận chuyển chung hành khách và hàng hóa trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, hướng tuyến được nghiên cứu, lựa chọn bảo đảm ngắn nhất, thẳng nhất có thể, sử dụng 3 loại kết cấu chính trên tuyến (trong đó: Kết cấu cầu chiếm khoảng 29% chiều dài tuyến, hầm khoảng 7% và nền đất khoảng 64%) bảo đảm phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, xã hội, đất quốc phòng; bảo đảm kết nối thuận lợi với các tuyến đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội, đường sắt kết nối Trung Quốc.
Phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2030
Về công trình ga, dự kiến bố trí 18 ga (bao gồm 3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp). Ngoài ra, để thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật phục vụ chạy tàu, dự kiến bố trí 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật.
Quá trình khai thác, khi nhu cầu nhu cầu vận tải tăng lên sẽ nghiên cứu, nâng cấp một số trạm tác nghiệp kỹ thuật thành ga hỗn hợp và đầu tư bổ sung các ga khi có nhu cầu.
![Toàn cảnh phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_30_51441211/606ed5cbe18508db5194.jpg)
Toàn cảnh phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về công trình khác, dự kiến bố trí 1 đề-pô tàu hàng tại ga Yên Thường; 1 đề-pô tàu khách tại Yên Viên; 2 trạm chỉnh bị đầu máy, toa xe tại ga Lào Cai mới và ga Nam Hải Phòng.
Về tiến độ, theo kiến nghị của Chính phủ, dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2030.
Liên quan đến phương án phát triển công nghiệp đường sắt, định hướng chung phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2045 được Bộ Chính trị thông qua với 4 giai đoạn.
Một là làm chủ về công nghiệp xây dựng; Hai là lắp ráp trong nước và từng bước nội địa hóa phương tiện đối với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.
Ba là sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện.
Bốn là làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao.
Cần đánh giá kỹ lưỡng để tránh rủi ro
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do thực tiễn đã được nêu tại tờ trình của Chính phủ.
![Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_30_51441211/437af2dfc6912fcf7680.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.
Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn việc chuyển giao công nghệ, vận hành, khai thác dự án sau khi hoàn thành để tránh việc phụ thuộc công nghệ và việc xây dựng dự án đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng, quốc phòng, an ninh.
Về hướng tuyến, cơ quan thẩm tra đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu bảo đảm việc kết nối của dự án với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và giảm thiểu tác động tiêu cực do thu hồi đất phục vụ dự án đối với doanh nghiệp và người dân.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành, khai thác của các dự án để giảm thiểu các rủi ro về sau.
Một số ý kiến cho rằng, với ưu thế của dự án sau khi hoàn thành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của tuyến đường sắt hiện hữu và các tuyến đường bộ cao tốc song hành. Do đó đề nghị bổ sung các kịch bản khai thác và giải pháp trong trường hợp phải dừng khai thác tuyến đường sắt hiện hữu do thiếu hiệu quả.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án có quy mô rất lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp và thời gian kéo dài sẽ tiềm ẩn rủi ro như đã xảy ra đối với nhiều dự án trọng điểm trong thời gian qua. Do đó, cơ quan này đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp khắc phục để bảo đảm không xảy ra tình trạng tương tự.
Cạnh đó, cơ quan thẩm tra nhận thấy, dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thì việc Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết.