Đề xuất cơ chế đặc thù xây dựng tuyến đường nối sân bay Gia Bình với Hà Nội
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị cho phép áp dụng 10 cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường chiến lược kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội và cầu Kênh Vàng hướng về tỉnh Hải Dương.
Tuyến đường có tổng chiều dài 45,6 km, giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Dự án đã được UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh thống nhất về hướng tuyến và quy mô mặt cắt ngang 120 m. Phần tuyến đi qua Hà Nội có chiều dài khoảng 14 km.
Trong đó, 7 km là đoạn xây dựng mới từ điểm tiếp nối với địa phận tỉnh Bắc Ninh, vượt sông Đuống và đi dọc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, qua khu vực ga Trung Mầu và kết nối với nút giao cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên và đường Vành đai 3. Phần còn lại trùng với tuyến cao tốc và đường vành đai hiện hữu, tiếp tục kết nối đến khu vực cầu Tứ Liên, dẫn về trung tâm Hà Nội.

Đoạn tuyến đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 31,6 km. Trong đó, đoạn từ sân bay Gia Bình đến ranh giới với Hà Nội dài 22,9 km, còn lại 8,7 km nối từ sân bay đến cầu Kênh Vàng, tuyến giao thông huyết mạch hướng về tỉnh Hải Dương. Tuyến đường được đánh giá có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, đóng vai trò động lực tăng trưởng mới cho khu vực phía Bắc.
Tổng mức đầu tư khái toán cho phần dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vào khoảng 40.300 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn tuyến khoảng 11.000 tỷ đồng, chưa bao gồm phần đất mở rộng 300 m hai bên. Chi phí đầu tư xây dựng tuyến đường ước khoảng 29.300 tỷ đồng, gồm 23.300 tỷ đồng cho đoạn từ sân bay Gia Bình đến địa phận Hà Nội và khoảng 6.000 tỷ đồng cho đoạn từ sân bay đến cầu Kênh Vàng.
Nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng 10 cơ chế chính sách đặc thù. Trong số đó, nổi bật là đề nghị được quyết định chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Ngoài ra, tỉnh cũng xin phép thực hiện chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho cả dự án chính lẫn các dự án đối ứng theo cơ chế BT. Bên cạnh đó, Bắc Ninh kiến nghị áp dụng chính sách hỗ trợ đặc biệt về chi phí thuê nhà tạm cư cho các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án.
Việc triển khai thành công tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình không chỉ góp phần phát huy hiệu quả của một cảng hàng không mới mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc liên kết hạ tầng giữa Bắc Ninh, Hà Nội và các tỉnh lân cận, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc đang trên đà phát triển mạnh mẽ.