Đề xuất chưa quy định đường cao tốc tối thiểu phải có bốn làn đường
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị quy định đường cao tốc tối thiểu phải là bốn làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp.
Đề nghị đường cao tốc tối thiểu phải là bốn làn đường
Chiều 15/3, tiếp tục Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị quy định đường cao tốc tối thiểu phải là bốn làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp.
“Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, ý kiến nêu trên là xác đáng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc còn phụ thuộc khả năng cân đối ngân sách và huy động nguồn lực. Mặt khác, đây là vấn đề thuộc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, quy định chi tiết. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không quy định cụ thể những nội dung này trong dự thảo Luật”, ông Lê Tấn Tới cho biết.
Về phí sử dụng đường cao tốc, có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết quy định thu phí sử dụng đường cao tốc trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.
Để thực hiện chủ trương của Quốc hội tại các Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu phí trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Kết quả cho thấy các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ. Người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn; hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc (được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn).
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với nội dung này trong dự thảo Luật do Chính phủ trình và đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Phí và lệ phí như quy định tại Điều 90 dự thảo Luật Đường bộ.
Giao Chính phủ quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về phân chia nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ trong trường hợp ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cùng đầu tư.
Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, vừa qua Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ, đường bộ cao tốc theo phương thức hòa chung ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí hiện hành chưa có quy định về phân chia nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ trong trường hợp này.
Vì vậy, để có cơ sở thực hiện phân chia nguồn thu từ phí phù hợp với các dự án đầu tư xây dựng theo phương thức này, đề nghị cho bổ sung Khoản 3 Điều 54 giao Chính phủ quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc và Khoản 2 Điều 90 quy định sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Phí và lệ phí như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định về lắp đặt hệ thống camera giám sát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở đề án “đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” được phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 3/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản thống nhất với mục tiêu nhiệm vụ đã được xác định tại Quyết định số 165/QĐ-TTg nhằm tăng cường quản lý về an ninh trật tự, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm hành chính.
“Tuy nhiên, Quyết định số 165/QĐ-TTg chưa xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện dự án. Nếu quy định đây là nội dung bắt buộc trong đầu tư xây dựng đường cao tốc sẽ tác động không nhỏ đến khả năng thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống đường cao tốc. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và đề nghị Chính phủ đánh giá tác động bổ sung đối với chính sách này”, ông Lê Tấn Tới nói.
Rà soát để tránh chồng chéo
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cơ bản nhất trí với các nội dung mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nêu trong Báo cáo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Về phát triển giao thông thông minh quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cơ bản nhất trí. Về các dự án liên quan đến đường cao tốc, trong đó có nội dung mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc gắn với các đường đã đầu tư từ trước mà có các trạm thu phí BOT, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy băn khoăn xử lý vấn đề này như thế nào, nên chăng để Chính phủ quy định chi tiết cho rõ ràng hơn.
Kết luận nội dung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu chỉnh lý.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra căn cứ vào các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tránh chồng chéo về nội dung, bảo đảm tính khả thi của luật khi được ban hành; xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước; đánh giá kỹ tác động của các quy định mới, đảm bảo đạt được mục đích xây dựng luật; làm rõ các nội dung đề nghị sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan…