Đề xuất chủ tịch UBND xã có thẩm quyền xử phạt như chủ tịch UBND huyện
Chính phủ đề xuất cho phép chủ tịch UBND cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được thông qua.
Sáng 15/5, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tờ trình nêu, đây là dự án luật có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến tổ chức chính quyền địa phương và bộ máy của các cơ quan, đặc biệt là quy định về thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh; thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Do đó, theo Chính phủ, cần phải khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật để phù hợp với chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Từ đó, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng hoạt động của lực lượng thực thi công vụ, đặc biệt để bảo đảm phù hợp với chủ trương tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước thời gian qua và trong giai đoạn sắp tới.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng quy định chung cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là cấp trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thay vì quy định các chức danh cụ thể như hiện nay.
Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành nhằm làm rõ hơn việc xử lý vi phạm hành chính theo phương thức điện tử như: quy định rõ hơn cách thức lập, ký đối với biên bản vi phạm hành chính được lập bằng phương thức điện tử; bổ sung việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử…
Trên cơ sở kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, dự thảo Luật sửa đổi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến.
Hướng được Chính phủ đề xuất là quy định thời hiệu cụ thể là 6 tháng kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vụ vi phạm, đồng thời giới hạn tối đa không quá 3 năm kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm, nhằm hạn chế việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Media Quốc hội
Về nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, dự thảo Luật sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức).
Quy định như vậy, để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt, giảm thiểu chi phí xã hội khi thực hiện thủ tục nộp phạt, trên cơ sở bảo đảm phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng thu nhập bình quân đầu người hiện nay so với trước đây.
Đặc biệt, trong quy định điều khoản chuyển tiếp, dự thảo luật cho phép trưởng công an xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của trưởng công an cấp huyện; chủ tịch UBND cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện.
Chính phủ lý giải, việc trao thẩm quyền cao hơn cho lực lượng ở cấp xã (mới) là giải pháp cần thiết, phù hợp với giai đoạn chuyển tiếp, khi các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước chưa kịp sửa đổi, bổ sung theo quy định của dự thảo Luật.
Ngoài ra, các quy định trên cũng thể hiện rõ chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước, đặc biệt là trong xử lý vi phạm hành chính, từ đó trao quyền và gắn với trách nhiệm cho chính quyền, lực lượng chức năng ở cấp cơ sở thường xuyên phát hiện, tiếp xúc, xử lý các hành vi vi phạm phát sinh trên địa bàn.
Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9.