Đề xuất cho phép người lao động đóng khoản bị nợ bảo hiểm thất nghiệp để hưởng chế độ

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động, trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động…

Người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Đề xuất này được cơ quan soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nêu trong bản dự thảo mới nhất. Theo đó, tại dự thảo luật, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung một chương quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp và biện pháp xử lý vi phạm.

Cụ thể, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội.

Biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm: Đóng đủ số tiền bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất thêm cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động, trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Theo đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận tạm thời thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp khi có yêu cầu của người lao động, làm cơ sở thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Đó là trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Khi người sử dụng lao động tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc có quyết định tuyên bố phá sản, giải thể, mà thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, thì cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đây sẽ là cơ sở thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Đối với trường hợp tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Việc bổ sung cơ chế đặc thù đối với lao động bị nợ bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng, cũng là đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi góp ý vào dự thảo luật.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay, vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp, dẫn đến việc hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp sai quy định (chiếm 3,2% tổng số trường hợp phải thu hồi).

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-cho-phep-nguoi-lao-dong-dong-khoan-bi-no-bao-hiem-that-nghiep-de-huong-che-do.htm
Zalo