Đề xuất cho phép hộ gia đình, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời không cần giấy phép

Tại dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, Bộ Công Thương đề xuất hộ gia đình và doanh nghiệp có thể tự lắp đặt hệ thống điện mặt trời không cần xin giấy phép nếu không vượt quá quy mô trong quy hoạch điện lực.

Bộ Công Thương đề xuất cho phép hộ gia đình, doanh nghiệp tự lắp đặt điện mặt trời không cần giấy phép. Ảnh: H.P

Bộ Công Thương đề xuất cho phép hộ gia đình, doanh nghiệp tự lắp đặt điện mặt trời không cần giấy phép. Ảnh: H.P

Dự thảo của Bộ Công Thương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, baochinhphu.vn đưa tin.

Cụ thể, các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể tự lắp đặt hệ thống điện mặt trời mà không cần xin giấy phép, trừ khi hệ thống vượt quá quy mô quy định trong quy hoạch điện lực.

Theo dự thảo, dự án điện mặt trời mái nhà được Nhà nước ưu đãi đặc biệt, xếp vào danh mục các dự án năng lượng tái tạo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế theo quy định.

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các công trình xây dựng sẽ không làm thay đổi quy hoạch đã được duyệt, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính và khuyến khích việc sử dụng năng lượng sạch.

Hệ thống sản xuất điện mặt trời mái nhà được xác định là thiết bị công nghệ gắn liền với công trình xây dựng, đặc biệt là đối với nhà ở, công sở và các công trình công cộng. Hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà và bán điện dư vào lưới điện quốc gia sẽ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh.

Ngoài ra, dự thảo quy định hộ gia đình chỉ được bán tối đa 20% lượng điện sản xuất từ hệ thống mặt trời mái nhà vào lưới điện quốc gia. Tùy thuộc vào tình hình của hệ thống điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể điều chỉnh tỷ lệ này.

Việc mua bán điện dư được thực hiện linh hoạt dựa trên thỏa thuận giữa các bên nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Trong mọi trường hợp, lượng điện được mua chỉ giới hạn ở mức tối đa 20% công suất lắp đặt của hệ thống.

Giá mua điện dư được xác định dựa trên giá điện bình quân của năm trước, do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố. Điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại các công trình công cộng sẽ chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ.

Đối với nguồn điện có công suất lắp đặt trên 1.000 kW, sản lượng điện dư muốn bán vào hệ thống điện quốc gia phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định.

Bình Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-xuat-cho-phep-ho-gia-dinh-doanh-nghiep-lap-dat-dien-mat-troi-khong-can-giay-phep/
Zalo