Đề xuất chính sách ưu đãi với lực lượng gìn giữ hòa bình khi hoàn thành nhiệm vụ
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng cần bổ sung những chế độ, chính sách cho lực lượng gìn giữ hòa bình sau khi họ thực hiện xong sứ mệnh của mình ở các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc gồm 4 chương, 26 điều.
Thảo luận tại tổ, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc.
Đồng thời, các đại biểu cho rằng đây là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa-chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp; góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, kỹ năng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Các đại biểu đã quan tâm cho ý kiến về nhiều vấn đề liên quan như: về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi; về vị trí, chức năng của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; vấn đề quản lý Nhà nước về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, gia hạn nhiệm kỳ công tác... và việc bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...
Đánh giá các chính sách đối với lực lượng quân đội, công an tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cơ bản đáp ứng thực tế, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung những chế độ, chính sách cho lực lượng này sau khi họ thực hiện xong sứ mệnh của mình ở các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đại biểu nêu thực tế những năm qua đã có đồng chí hy sinh trong thời gian làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình; nhiều đồng chí bị bệnh trong thời gian tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình và có những cá nhân sau khi trở về bị ảnh hưởng do có thời gian làm việc tại môi trường khắc nghiệt.
"Tôi nghĩ rằng nên bổ sung những quy định về chế độ, chính sách đối với những cá nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị bệnh sau khi đã kết thúc nhiệm vụ mà chúng ta xác định nhiệm vụ đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe của các đồng chí này," đại biểu Nguyễn Thị Xuân góp ý.
Đại biểu Lê Quang Đạo (Phú Yên) khẳng định dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tạo nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc, lan tỏa tinh thần trách nhiệm quốc tế sâu rộng của Việt Nam; khơi dậy niềm tự hào dân tộc và phát huy vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Lê Quang Đạo phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Theo đại biểu Lê Quang Đạo, dự thảo Luật đã kế thừa các quy định dưới Luật trước đây vốn đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp. Đồng thời, Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã có những đánh giá tổng thể, khách quan, đề xuất các chế độ, chính sách đặt trong tổng thể với các lực lượng khác bảo đảm sự hài hòa, phù hợp với lực lượng vũ trang và lực lượng dân sự, giữa lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các lực lượng khác. Do đó, đại biểu đánh giá cao và hoàn toàn tán thành với các quy định này trong dự thảo Luật.
Liên quan đến các quy định về chế độ ưu đãi trong đào tạo, sử dụng nguồn lực, đại biểu Lê Quang Đạo đề xuất, các bộ trưởng, cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chủ quản nên có chính sách ưu đãi trong đào tạo, bố trí, tuyển dụng, tuyển chọn đối với những người đã hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình; quy định rõ ràng về khen thưởng và bảo hiểm đối với thương, bệnh binh, tử nạn...
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã thông tin, làm rõ thêm một số nội dung về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 1.083 lượt cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó Bộ Quốc phòng cử 1.067 quân nhân với 6 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 và 3 đội công binh cùng 137 lượt sỹ quan cá nhân. Bộ Công an cử 16 lượt theo hình thức cá nhân. Tỷ lệ nữ của Việt Nam tham gia là trên 16%, cao hơn tỷ lệ nữ của các quốc gia đang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình hiện nay (khoảng từ 7-8%)...
Đại tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh trong dự thảo Luật có bổ sung nội dung về sự tham gia của lực lượng dân sự để đa dạng hóa lực lượng tham gia hoạt động này. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rất rõ về những lĩnh vực mà Việt Nam sẽ tham gia trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
"Chúng ta thực hiện chính sách quốc phòng "4 không" (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế), nên không đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của nước ta tham gia ở các khu vực tham chiến, vì chúng ta không tham gia liên minh quân sự. Dự thảo Luật đã quán triệt rất rõ và cũng đề nghị trong luật những việc gì chúng ta được tham gia thì trên cơ sở đề nghị của Liên hợp quốc nghiên cứu cho phù hợp," Đại tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định.
Về nội dung quy định trong tình trạng khẩn cấp tại dự thảo Luật, Đại tướng Nguyễn Tân Cương làm rõ thêm khi có tình trạng khẩn cấp ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nếu báo cáo theo trình tự (việc cử lực lượng đi và về nước là do Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định) thì có thể sẽ làm mất thời cơ. Do đó, Cơ quan soạn thảo đã xây dựng dự thảo theo hướng đề xuất giao cho bộ chủ quản trực tiếp chỉ huy, trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách, bộ trưởng được quyền ra lệnh rút lực lượng này về nước./.