Đề xuất chính sách phát triển thương mại điện tử xanh trước lo ngại lượng rác thải nhựa lên tới 800.000 tấn

Thương mại điện tử đang đối mặt với vấn đề gia tăng đáng kể lượng rác thải từ bao bì đóng gói và vận chuyển, gây áp lực lớn lên môi trường. Nếu không có giải pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, dự báo đến năm 2030, khi quy mô thị thương mại điện tử Việt Nam đạt 100 tỷ USD, lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này có thể lên tới 800.000 tấn...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương đề xuất 5 chính sách lớn trong đó có quy định về xây dựng và phát triển thương mại điện tử. Theo dự kiến, dự án luật sẽ được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 (trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

LƯỢNG RÁC THẢI NHỰA TỪ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CÓ THỂ LÊN TỚI 800.000 TẤN

Hiện nay, các quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ và Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 đã đưa ra các khung pháp lý cơ bản về hoạt động và các mô hình hoạt động của thương mại điện tử.

Nghị định cũng đã có những quy định cơ bản về Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia tại Điều 7, về cơ bản đây là là tập hợp các nội dung, nhiệm vụ về hoạt động phát triển thương mại điện tử theo từng giai đoạn nhằm khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giao dịch thương mại trong nước và xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại điện tử theo hướng hiện đại hóa…

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương chỉ rõ trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các quy định hiện hành cần được điều chỉnh theo hướng thương mại điện tử phát triển bền vững để duy trì sự phát triển lâu dài.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố năm 2024, sự phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử Việt Nam kéo theo nhiều vấn đề môi trường, đặc biệt là rác thải từ đóng gói, hoàn thiện đơn hàng và giao đồ ăn trực tuyến.

Thống kê trong năm qua, thị trường mua sắm trực tuyến và giao đồ ăn tại Việt Nam đã đạt quy mô lần lượt 22 tỷ USD và 1 tỷ USD, thải ra khoảng 160.000 tấm bìa carton và 171.000 tấn nhựa, chủ yếu là loại nhựa dùng một lần, theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).

Riêng ngành thương mại điện tử đã thải ra hơn 7.600 tấn nhựa để bán ra 1 tỷ USD, trong khi giao đồ ăn thải gần 18.600 tấn nhựa.

Thực tế này cũng được các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử gắn với bảo vệ môi trường” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải tổ chức giữa tháng 12/2024.

Trong gần ba thập kỷ qua, thương mại điện tử trên thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy thương mại điện tử càng phát triển thì tác động càng xấu tới môi trường, đặc biệt là việc thải bỏ lượng lớn bao bì, rác thải nhựa.

Ở Việt Nam, tới năm 2015 thương mại điện tử đã trở nên phổ biến nhưng quy mô mới đạt khoảng 4 tỷ USD. Từ năm 2016 tới nay, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử nước ta tăng nhanh.

Theo VECOM, quy mô của lĩnh vực này năm 2024 đạt khoảng 31 tỷ USD, trong đó bán lẻ hàng hóa trực tuyến trên 20 tỷ USD. VECOM dự đoán năm 2025, quy mô thương mại điện tử sẽ đạt gần 40 tỷ USD và tiến tới quy mô khoảng 100 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, từ năm 2019 thương mại điện tử Việt Nam đã bộc lộ những yếu tố không bền vững. Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đã lộ rõ các tác động tiêu cực tới môi trường, điển hình là việc sử dụng nhiều bao bì, vật liệu nhựa.

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ THEO HƯỚNG XANH VÀ BỀN VỮNG

Từ thực tiễn trên cho thấy, thương mại điện tử đang đối mặt vấn đề gia tăng đáng kể lượng rác thải từ bao bì đóng gói và vận chuyển, gây áp lực lớn lên môi trường. Đồng thời, các tiêu chuẩn xanh và trách nhiệm phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu phổ biến trong hoạt động thương mại điện tử toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tích hợp các giải pháp giảm phát thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và xây dựng chuỗi cung ứng xanh.

Vì vậy, việc xây dựng chính sách thương mại điện tử giai đoạn tới cần nhấn mạnh vào phát triển hạ tầng thương mại điện tử thân thiện với môi trường, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và tăng cường nhận thức người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững.

Theo Bộ Công Thương, những bước đi này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao tính cạnh tranh của thương mại điện tử Việt Nam, góp phần tạo nên nền kinh tế số phát triển bền vững.

Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, bên cạnh phương án giữ nguyên như quy định hiện tại, Bộ Công Thương đề xuất phương án bổ sung, hoàn thiện chính sách của về phát triển thương mại điện tử theo hướng xanh và bền vững.

Đánh giá tác động của các giải pháp bổ sung, hoàn thiện chính sách của về phát triển thương mại điện tử theo hướng xanh và bền vững đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan, dự thảo chỉ rõ, về tác động kinh tế, đối với nhà nước cần bố trí các nguồn lực từ trung ương đến địa phương để tham gia thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

Đối với doanh nghiệp cần đầu tư thêm vào công nghệ và đổi mới quy trình kinh doanh để đáp ứng các tiêu chuẩn mới, đặc biệt là thương mại điện tử xanh.

Đối với người dân, giá cả sản phẩm có thể tăng do chi phí áp dụng các tiêu chuẩn môi trường và cải thiện hạ tầng.

Về tác động về môi trường, đối với nhà nước, giám sát, đánh giá và điều chỉnh các chính sách thương mại điện tử nhờ vào các chỉ số đánh giá được xây dựng, bảo vệ môi trường. Với doanh nghiệp sẽ có ý thức trong việc bảo vệ môi trường; còn với người dân sẽ giảm thiểu lượng rác thải nhựa, cải thiện chất lượng môi trường sống.

Từ thực tế phân tích, cơ quan soạn thảo tờ trình cho rằng phương án bổ sung, hoàn thiện chính sách của về phát triển thương mại điện tử theo hướng xanh và bền vững có nhiều tác động tích cực nhất, thu được lợi ích kinh tế và tác động xã hội tốt nhất. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án này cho việc xây dựng Luật Thương mại điện tử.

Chia sẻ kết quả khảo sát về hành vi bảo vệ môi trường của 4.000 người tiêu dùng trực tuyến, tập trung vào thế hệ Z và tổng hợp hoạt động của các cơ quan, tổ chức cũng như chính sách, pháp luật về thương mại và môi trường, đại diện VECOM cho hay trong năm 2024, có tới 80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây ra tác động xấu hoặc rất xấu tới môi trường, 21% cho rằng thương mại điện tử gây ra tác động xấu tới môi trường hơn thương mại truyền thống.

Nhiều khách hàng vẫn chưa chọn giải pháp thân thiện với môi trường được cung cấp trên các sàn thương mại điện tử hay website bán hàng vì phải trả thêm tiền.

Về các giải pháp để thương mại điện tử thân thiện môi trường, 79% khách hàng trực tuyến cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng ban hành và phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử, 71% đề xuất các doanh nghiệp và thương nhân bán hàng trực tuyến phải công bố các lựa chọn thân thiện môi trường để khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định. Trong khi đó, 61% người tiêu dùng gợi ý sự cần thiết của các hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người mua trực tuyến.

Tùng Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-chinh-sach-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-xanh-truoc-lo-ngai-luong-rac-thai-nhua-len-toi-800-000-tan.htm
Zalo