Đề xuất cần có chế tài ngăn chặn 'vốn ảo' của doanh nghiệp

Sáng 20/5, tiếp tục Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã cho ý kiến thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Làm rõ năng lực về vốn của doanh nghiệp để kinh doanh hiệu quả

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tráng A Dương (ĐBQH tỉnh Hà Giang) bày tỏ nhất trí với 23 nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật, trong đó có 1/3 nội dung liên quan đến phòng chống rửa tiền. Dự thảo luật hiện hành chưa quy định chặt chẽ về nội dung vốn sau khi thành lập doanh nghiệp dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đăng ký vốn ảo thiếu khả năng chi trả.

Do đó, đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc doanh nghiệp phải hoàn thành việc góp vốn trong một thời gian nhất định, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký của doanh nghiệp. Trường hợp không đủ vốn đúng thời hạn, dự thảo luật cần quy định rõ các biện pháp xử lý cụ thể để đảm bảo tính nghiêm minh trong hoạt động kinh doanh.

Đại biểu Tráng A Dương (ĐBQH tỉnh Hà Giang) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Tráng A Dương (ĐBQH tỉnh Hà Giang) phát biểu tại hội trường.

Nêu dẫn chứng về vụ 100 tấn sản phẩm thuốc giả, thực phẩm chức năng giả bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện, triệt phá vừa qua, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho biết, riêng cá nhân này đã thành lập tới 17 doanh nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất khẩu và 11 doanh nghiệp làm nhiệm vụ phân phối sản xuất. Vậy liên quan đến các quy định, cách hiểu về nghĩa của Điều 33 của Hiến pháp 2013 là “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” này như thế nào.

“Có những doanh nghiệp quy mô vốn đăng ký không nhiều, năng lực về mặt kỹ thuật và nhân lực không nhiều nhưng có thể đăng ký các lĩnh vực kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực được xem pháp luật không cấm, có thể nói từ dưới đất lên trên giời đều được đăng ký vào. Như thế liệu có bảo đảm được một doanh nghiệp thực sự hoạt động hiệu quả hay không, đúng theo tính chất, mức độ và năng lực của họ hay không. Hay tạo nên những tác động ảnh hưởng cho nó là những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong những hoạt động sản xuất kinh doanh?” – đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Thành cho rằng, những vấn đề rất lớn và cần phải được quy định một điều khoản cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, đề nghị đây là điểm cần phải có một nghiên cứu và đưa ra nhận thức chung. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải thích điều khoản này, Điều 33 của Hiến pháp 2013.

Giữa vấn đề mọi người và công dân là khác nhau. Trong khái niệm của các từ là khác nhau, cho nên đại biểu cho rằng, đây là vấn đề thực tế liên quan đến quản lý sản xuất kinh doanh trong xã hội. Một mặt cần tạo nên thông thoáng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ là tất cả người dân đều phải làm giàu thì những quy định phải phù hợp. Đồng thời, cũng phải bảo đảm được quản lý nhà nước một cách hiệu quả, hạn chế những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh. Tạo nên một môi trường kinh doanh thực sự lành mạnh để cho tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động thật sự bằng năng lực của mình phát triển được.

Minh bạch việc chủ sở hữu hưởng lợi từ doanh nghiệp

Nêu ý kiến về trách nhiệm thu thập thông tin của chủ sở hữu hưởng lợi từ doanh nghiệp, đại biểu Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, đây là một vấn đề rất lớn và cần thiết. Vì trong thời gian qua, trường hợp thu thập thông tin, kê khai của chủ doanh nghiệp hưởng lợi còn những quy định chưa được cụ thể. Do vậy, phải quy định cụ thể để minh bạch trong việc chủ sở hữu hưởng lợi từ doanh nghiệp cho rõ ràng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) phát biểu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) phát biểu.

Việc quy định chung cho tất cả, chung từ loại hình của doanh nghiệp mà kê khai, cập nhật thông tin về chủ sở hữu là phù hợp, tuy nhiên phải đúng theo yêu cầu của phòng, chống rửa tiền. Cũng cần phân định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn và doanh nghiệp nhỏ, để tránh tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó cần phải có sự phân định để áp đặt nghĩa vụ này lên một số doanh nghiệp lớn. Còn đối với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc doanh nghiệp nhỏ thì nên có cân nhắc, không tạo ra những quy định tiền lệ đẩy nghĩa vụ cho doanh nghiệp này.

Đại biểu Hòa đề nghị, bổ sung đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, như trốn thuế, nợ thuế là sẽ bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, do thời gian qua hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp diễn ra càng ngày càng tinh vi với số lượng càng lớn, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Với thủ đoạn tinh vi là che giấu lợi nhuận thực tế để trốn thuế, sử dụng hai hệ thống sổ kế toán thời gian qua và những doanh nghiệp này đã vướng vòng lao lý rất nhiều. Chính vì vậy, việc quy định bổ sung vấn đề này cần đảm bảo cho thu ngân sách nhà nước cho tốt, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch với các doanh nghiệp khác. Đồng thời cũng răn đe, phòng ngừa các doanh nghiệp khác để không vi phạm.

Cũng cho ý kiến vấn đề chủ sở hữu hưởng lợi, đại biểu Hà Sỹ Đồng (ĐBQH tỉnh Quảng Trị) đánh giá, việc bổ sung quy định về chủ trương hưởng lợi để phù hợp với các cam kết về phòng, chống rửa tiền là rất cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó vì tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi là chưa rõ ràng. Dự thảo luật quy định là sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí, nhưng đại biểu lưu ý rằng, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng có khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” và cũng giao Chính phủ quy định chi tiết và Chính phủ cũng đã có Nghị định 19 năm 2023 về vấn đề này, áp dụng cho các giao dịch của phía tổ chức tín dụng.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho ý kiến vào dự thảo luật.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho ý kiến vào dự thảo luật.

Đại biểu cho biết thêm, khi tham vấn các tổ chức tín dụng, họ cũng cho biết là các tiêu chí này còn rất chung chung và khó tuân thủ. Hiện nay, các tổ chức tín dụng vẫn dựa trên cơ sở tự khai báo của khách hàng, chủ tài khoản chứ không có biện pháp nào để xác minh. Đại biểu Đồng nhận thấy, nếu thực hiện quy định việc này khi doanh nghiệp cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước thì sẽ còn khó khăn hơn.

Trước mắt, xác định những trường hợp cứng, đã rõ ràng như quan hệ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn trở lên nhất định phải khai báo, nếu không khai báo sẽ bị xử phạt. Còn các trường hợp tiêu chí là định tính như cá nhân có quyền chi phối thì có quy định yêu cầu khai báo, nhưng trước mắt không xử phạt khi doanh nghiệp khai báo không đầy đủ. Và sau này, khi cơ quan nhà nước có quy định hoàn thiện hơn về khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi thì mới đưa quy định xử phạt.

Q.Vinh-V.Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-xuat-can-co-che-tai-ngan-chan-von-ao-cua-doanh-nghiep-i768915/
Zalo