Đề xuất cấm người có nồng độ cồn 'lái' drone
Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo nghị định quy định về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay khác. Đáng chú ý, đề xuất cấm khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, ma túy, các chất gây ngủ, gây nghiện không được điều khiển phương tiện bay (drone).
Theo Bộ Quốc phòng, ngày 28/3/2008, Chính phủ ban hành Nghị định 36/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện siêu nhẹ. Đã 17 năm ra đời, các hoạt động liên quan đến drone thay đổi, phát sinh nhiều quan hệ mới cần điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số quy định tại nghị định bộc lộ hạn chế, bất cập, không còn phù hợp thực tiễn. Từ đó, xây dựng nghị định nhằm tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để quản lý toàn diện đối với lĩnh vực liên quan đến phương tiện bay, hạn chế tác động tiêu cực đến quốc phòng - an ninh, an toàn bay và trật tự xã hội.
Ngày 27/11/2024, Luật Phòng không nhân dân được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định miễn cấp phép bay drone với các trường hợp bay ngoài khu vực cấm bay và khu vực hạn chế bay, drone có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25kg, độ cao bay thực tối đa không quá 50m, tốc độ bay không quá 40km/giờ và thiết bị phát sóng vô tuyến đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tầm ngắn sử dụng công suất nhỏ, là thiết bị bay được điều khiển bằng tay, chủ yếu phục vụ mục đích vui chơi giải trí.
Những vi phạm trong hoạt động bay
Bộ Quốc phòng đề xuất quy định phân loại drone dựa trên nhiều tiêu chí. Trong đó, theo các trọng lượng cất cánh dưới 0,25kg, dưới 2kg, dưới 25kg, dưới 150kg, trên 150kg. Mục đích sử dụng drone thương mại, phục vụ sản xuất nông nghiệp, vui chơi, giải trí, huấn luyện. Điều kiện khai thác, sử dụng phương tiện phải có giấy chứng nhận đăng ký, hoặc giấy chứng nhận đăng ký tạm thời còn hiệu lực pháp luật. Người trực tiếp điều khiển drone phải đủ 18 tuổi trở lên, trừ người điều khiển phương tiện bay có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25kg. Đặc biệt, trong máu, hơi thở không có nồng độ cồn, ma túy, chất gây ngủ, các chất bị cấm theo quy định của pháp luật. Đối với người trực tiếp điều khiển drone có trọng lượng cất cánh tối đa từ 0,25kg trở lên phải có giấy phép điều khiển bay quan sát bằng trực quan.

Người nước ngoài trực tiếp điều khiển phương tiện bay tại Việt Nam ngoài đáp ứng các điều kiện trên phải có đại diện cơ quan hoặc tổ chức, cá nhân là người Việt Nam bảo lãnh. Bộ Công an cung cấp thông tin đăng ký phương tiện bay cho Bộ Quốc phòng để phối hợp quản lý. Cơ quan chức năng Bộ Công an cung cấp bằng văn bản khi có yêu cầu của cơ quan, đơn vị có chức năng cấp phép bay của Bộ Quốc phòng theo quy định tại nghị định này. Cơ quan công an đăng ký phương tiện bay có trách nhiệm cập nhật, chia sẻ dữ liệu đăng ký phương tiện bay trên cơ sở dữ liệu kết nối bộ, ngành để các cơ quan có thẩm quyền cấp phép bay thuộc Bộ Quốc phòng khai thác, sử dụng.
Người điều khiển phương tiện bay có trọng lượng cất cánh tối đa từ 2kg trở lên, bay ngoài tầm nhìn trực quan, bay theo chương trình cài đặt sẵn thông qua bộ điều khiển trung tâm, phải có giấy phép điều khiển bay quan sát bằng thiết bị do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp, hoặc có bằng chứng chỉ quốc tế được Việt Nam công nhận. Trường hợp một người điều khiển đồng thời từ 2 drone trở lên, ngoài đáp ứng các điều kiện, còn phải chứng minh khả năng của công nghệ đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn bay, thể hiện qua thông số kỹ thuật của hệ thống vận hành thiết bị bay; bay xếp hình, xếp chữ, biểu diễn ánh sáng nghệ thuật trên không phải được cấp có thẩm quyền đồng ý hoặc phê duyệt…
Trường hợp bay drone trong khu vực cấm bay, chỉ áp dụng đối với hoạt động bay công vụ, phục vụ phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa - xã hội, thể thao của cơ quan, tổ chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc đồng ý bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bay phục vụ trực tiếp cho hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng nằm trong khu vực cấm bay, bay trong khu vực được thiết lập phục vụ hoạt động của các hội, câu lạc bộ và đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng - an ninh, an toàn bay, trật tự an toàn xã hội.
Thẩm quyền quản lý phương tiện bay
Dự thảo nghị định đề xuất, cơ quan cấp phép bay được hủy bỏ phép bay drone vì lý do an ninh, quốc phòng; an toàn, an ninh của chuyến bay; trật tự an toàn xã hội và lợi ích công cộng; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân; theo quy định của các điều ước quốc tế; cung cấp thông tin không trung thực hoặc có những hành vi gian dối khác… Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng có thẩm quyền hủy bỏ, yêu cầu hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần phép bay đã được cấp có thẩm quyền cấp phép trong vùng trời, vùng thông báo bay của Việt Nam. Bộ Tư lệnh quân khu hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần phép bay của Bộ Tư lệnh quân khu và Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh thuộc quyền. Cục Tác chiến hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần phép bay của Cục Tác chiến và Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh cấp. Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần phép bay của Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh. Bộ Công an hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần phép bay do cơ quan chức năng Bộ Công an cấp.