Đề xuất các nguồn kinh phí hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện

Các hoạt động công tác xã hội ở những bệnh viện đã giúp phục vụ người bệnh chuyên nghiệp hơn, giúp giải quyết nhiều vướng mắc tâm lý, xã hội của người bệnh cả về tinh thần và vật chất...

Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Thúy Hường – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương trao quả cho người bệnh. (Ảnh: BVNTTƯ)

Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Thúy Hường – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương trao quả cho người bệnh. (Ảnh: BVNTTƯ)

Nếu như trước đây, Thông tư 43 không quy định đến vấn đề kinh phí khiến cho hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện không ít khó khăn, thì tại dự thảo Thông tư mới, Bộ Y tế đã đề xuất kinh phí để triển khai các dịch vụ công tác xã hội trong cơ sở khám, chữa bệnh từ nguồn ngân sách nhà nước; kinh phí của cơ sở khám, chữa bệnh; nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác được tổ chức, hoạt động và quản lý theo quy định của pháp luật...

Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra trong Hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Thông tư số 43/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện; góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2015/TT-BYT, khu vực phía Bắc do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/11 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay công tác xã hội trong bệnh viện đã góp phần thay đổi nhận thức của đội ngũ y tế và cộng đồng, giúp mọi người hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của sự đồng hành và sẻ chia trong chăm sóc sức khỏe; là một bước tiến giúp các cơ sở khám chữa bệnh hoàn thiện hơn nữa công tác phục vụ người bệnh.

Các hoạt động công tác xã hội ở những bệnh viện đã giúp phục vụ người bệnh chuyên nghiệp hơn, giúp giải quyết nhiều vướng mắc tâm lý, xã hội của người bệnh cả về tinh thần và vật chất, góp phần mang đến cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn cho người bệnh.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng thẳng thắn cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Thông tư 43 còn một số hạn chế, đó là mô hình tổ chức chưa đồng bộ, nhiều đơn vị chưa thành lập được bộ phận chuyên trách về công tác xã hội do thiếu nhân lực và nguồn lực. Đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng khi đây là một ngành đào tạo mới, chưa xây dựng được tiêu chuẩn, định mức nhân lực, các cán bộ chưa được đào tạo bài bản hoặc chủ yếu vẫn là cán bộ chuyên ngành khác thực hiện kiêm nhiệm; Các hoạt động xã hội hóa tuy được triển khai rộng rãi nhưng nguồn kinh phí chưa ổn định, chưa đáp ứng được như cầu thực tiễn…

Ông Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết trong 9 năm qua, từ một khái niệm còn xa lạ với người dân, công tác xã hội trong các bệnh viện đã đạt được nhiều kết quả.

Kết quả khảo sát 640 bệnh viện, trong đó có 30 bệnh viện thuộc tuyến trung ương, 259 bệnh viện thuộc tuyến tỉnh, thành phố và 351 bệnh viện thuộc tuyến quận/huyện do Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp với Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện cho thấy đội ngũ làm công tác xã hội tại các bệnh viện này đã hỗ trợ trên 916 triệu lượt chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám, chữa bệnh; Hỗ trợ, tư vấn trên 2,6 triệu lượt người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh trong khám, chữa bệnh; Hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về các chương trình, chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám, chữa bệnh cho hơn 9,4 triệu lượt người bệnh...

Đội ngũ làm công tác xã hội các bệnh viện cũng hỗ trợ suất ăn cho gần 8,6 triệu lượt người bệnh, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho gần 860.000 lượt bệnh nhân....

 Ông Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Dự thảo Thông tư mới hướng dẫn về nghề công tác xã hội trong bệnh viện, Bộ Y tế đề xuất ngoài những nhiệm vụ đã thực hiện trước đó theo quy định tại Thông tư 43, đội ngũ làm công tác xã hội bệnh viện đảm nhiệm thêm nhiệm vụ: Tham vấn, trị liệu tâm lý xã hội; Quản lý trường hợp người bệnh nội trú mắc bệnh hiểm nghèo; Phối hợp liên ngành giải quyết vấn đề tâm lý xã hội phức tạp và kết nối, chuyển gửi các trường hợp vượt quá năng lực chuyên môn...

Về vấn đề nhân lực làm công tác xã hội, dự thảo Thông tư mới cũng đã 'mở' hơn. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất việc bố trí số lượng nhân lực thực hiện dịch vụ công tác xã hội thực hiện theo Đề án vị trí việc làm của cơ sở khám, chữa bệnh. Chuyên ngành đào tạo của người làm công tác xã hội của cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm chuyên ngành công tác xã hội và các chuyên ngành phù hợp khác được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về công tác xã hội và kiến thức cơ bản về y tế.

Cùng đó, khuyến khích cơ sở khám, chữa bệnh bố trí nhân lực triển khai dịch vụ công tác xã hội chuyên môn sâu cho người bệnh, đặc biệt các cơ sở khám, chữa bệnh có chăm sóc, điều trị người bệnh thuộc nhóm bệnh hiểm nghèo.../.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/de-xuat-cac-nguon-kinh-phi-hoat-dong-cong-tac-xa-hoi-trong-benh-vien-post994969.vnp
Zalo