Đề xuất các giải pháp căn cơ, lâu dài, hiệu quả để chủ động thích ứng với mưa lũ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức nghiên cứu, đánh giá toàn diện, khoa học, bài bản về tình hình thiên tai ở miền Trung và Tây Nguyên, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp căn cơ, lâu dài, hiệu quả để chủ động thích ứng, bảo đảm an toàn, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân.
Trong Thông báo 333/TB-VPCP (ngày 10/12) kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác để các địa phương và nhân dân biết, chủ động đề phòng.
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn phối hợp với các lực lượng vũ trang và chính quyền cơ sở tổ chức giúp dân và các trường học khắc phục hậu quả lũ lụt.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung hỗ trợ bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, thiếu chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ. Cùng với đó là khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; khôi phục cung cấp điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân.
Tiến hành khắc phục nhanh công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng, chuẩn bị giống cây, con, vệ sinh đồng ruộng để sớm đưa học sinh trở lại trường học, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho người dân...
Về lâu dài, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu, đánh giá toàn diện, khoa học, bài bản về tình hình thiên tai ở miền Trung và Tây Nguyên, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp căn cơ, lâu dài, hiệu quả để chủ động thích ứng, bảo đảm an toàn, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cập nhật, hoàn thiện vào Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2022.
Cũng tại Thông báo kết luận này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính trước mắt xuất cấp 3.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên (mỗi tỉnh 1.000 tấn) để thực hiện cứu trợ cho người dân vùng lũ có nguy cơ thiếu đói.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến sáng 2/12, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 18 người chết và mất tích (Bình Định 03 người, Phú Yên 10 người, Khánh Hòa 02 người, Kon Tum 01 người, Đắk Lắk 02 người), tăng 08 người (Phú Yên 04 người, Khánh Hòa 02 người và 02 người tại Đắk Lắk) so với ngày 01/12.
Về giao thông mưa lũ gây ngập và sạt lở gây ách ách tắc nhiều tuyến đường: Tỉnh Quảng Nam (Quốc lộ 14H, 40B, Trường Sơn Đông); tỉnh Quảng Ngãi (Quốc lộ 24, 24C); tỉnh Bình Định: Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn) và một số vị trí tại Quốc lộ 27C (thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh); tỉnh Phú Yên (Quốc lộ 19C, 25, 27, 29); tỉnh Kon Tum: 02 điểm Trường Sơn Đông.
Về nông nghiệp mưa lũ làm 775 ha lúa bị thiệt hại (Bình Định 176, Phú Yên 455, Đắk Lăk 10, Gia Lai 134); 617 ha hoa màu bị thiệt hại (Quảng Nam 228, Quảng Ngãi 26,5, Bình Định 72, Phú Yên 90, Gia Lai 200,5); 2.858 gia cầm bị chết (Bình Định 1.250, Phú Yên 1.608).
Về thủy lợi, 1.540m kè và 23.843m kênh mương hư hỏng (Binh Định 25.383m, Gia Lai: 6.262m), 9.310m bờ sông, bờ suối bị sạt lở (Bình Định 5.410m, Quảng Ngãi 3.900m).
Về giáo dục, còn 25.000 học sinh chưa đến trường tại các huyện: Phù Cát, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn và khối Trường THPT.
Về thủy sản, có 03 tàu cá bị chìm (Bình Định 1; Phú Yên 1, Khánh Hòa 1); 02 sà lan (Khánh Hòa) đang thi công đập ngăn mặn sông Cái bị nước lũ cuốn trôi.