Đề xuất bổ sung tình tiết 'sử dụng các nền tảng thương mại điện tử' vào tội sản xuất hàng giả là thực phẩm
Đối với các tội sản xuất buôn bán hàng giả; sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, dự thảo BLHS sửa đổi đã bổ sung tình tiết định khung sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có tài khoản theo dõi.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo tờ trình, dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi do Bộ Công an chủ trì xây dựng.
Dự thảo đã tăng mức phạt tiền và tăng mức định lượng tiền để định khung hình phạt; bổ sung thêm tình tiết định khung "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có tài khoản theo dõi" đối với tội sản xuất buôn bán hàng giả (Điều 192); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193) và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195).
Theo Bộ Công an, việc nâng các mức định lượng tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm để định khung cơ bản, định khung hình phạt nhằm bảo đảm phù hợp với sự biến động của giá cả tăng lên so với thời gian trước đây...

Phạm Quang Linh và Hằng Du Mục cùng 3 bị can khác bị khởi tố do liên quan đến vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng. Ảnh: CA
Đơn cử, đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), dự thảo giữ nguyên khoản 1 với khung hình phạt 2-5 năm tù.
Khoản 2 Điều 193 dự thảo giữ nguyên khung hình phạt 5-10 năm tù và các tình tiết định khung như: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức...
Đề xuất tăng giá trị hàng giả tương đương hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 1 tỉ đồng (quy định hiện hành 150-500 triệu đồng). Tiền thu lợi bất chính và gây thiệt hại tài sản từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng (quy định hiện hành 100-500 triệu đồng).
Bổ sung tình tiết định khung mới: "Hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên".
Khoản 3 Điều 193 dự thảo giữ nguyên mức phạt tù 10-13 năm và các tình tiết định khung: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 61% trở lên...
Đối với số tiền thu lợi bất chính và số tiền gây thiệt hại đều tăng lên 1-3 tỉ đồng (quy định hiện hành 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng). Giá trị hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 1 tỉ đồng trở lên (quy định hiện hành 500 triệu đồng).
Khoản 4 Điều 193 dự thảo giữ nguyên mức phạt tù từ 15-20 năm, hoặc tù chung thân. Tăng số tiền thu lợi bất chính và số tiền gây thiệt hại về tài sản lên gấp hai lần so với quy định hiện hành là từ 1,5 tỉ đồng thành 3 tỉ đồng.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 40 triệu đồng đến 200 triệu đồng (quy định hiện hành 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng); cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân thương mại khi phạm tội sẽ bị phạt gấp đôi so với quy định hiện hành. Ví dụ, khi pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 193 dự thảo, thì bị phạt tiền từ 18-36 triệu đồng (quy định hiện hành 9-18 triệu đồng) hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 200-600 triệu đồng (quy định hiện hành 100-300 triệu đồng), cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn 1-3 năm.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng nghi là giả tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: DMS
Cạnh đó, tình tiết định khung "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có tài khoản theo dõi" cũng được bổ sung ở Điều 192 dự thảo về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Cụ thể, khoản 1 Điều 192 dự thảo đã tăng mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 2 tỉ đồng (quy định hiện hành 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng) hoặc bị phạt tù 1-5 năm; bổ sung tình tiết định khung "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 tài khoản đến dưới 2.500 tài khoản theo dõi".
Khoản 2 Điều 192 dự thảo (bị phạt tù 5-10 năm) đã bổ sung tình tiết định khung "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 2.500 tài khoản đến dưới 12.500 tài khoản theo dõi".
Khoản 3 Điều 192 dự thảo đã tăng mức hình phạt 10-15 năm tù (quy định hiện hành 7-15 năm tù) đối với các trường hợp: Thu lợi bất chính, giá trị hàng giả tương đương hàng thật từ 1 tỉ đồng trở lên (quy định hiện hành 500 triệu đồng); bổ sung tình tiết định khung "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 12.500 tài khoản theo dõi trở lên"...
Tăng mức phạt tiền của tội lừa dối khách hàng
Dự thảo BLHS sửa đổi cũng đề xuất sửa đổi về số tiền phạt, số tiền thu lợi bất chính đối với tội lừa dối khách hàng (Điều 198 dự thảo BLHS sửa đổi).
Khoản 1 Điều 198 dự thảo quy định tăng mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng (quy định hiện hành từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng) hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, đối với các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng (BLHS hiện hành quy định từ 5 đến dưới 50 triệu đồng).
Khoản 2 Điều 198 dự thảo tăng mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng (quy định hiện hành 100-500 triệu đồng) hoặc phạt tù từ 1-5 năm đối với các trường hợp gồm: Phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên (quy định hiện hành 50 triệu đồng trở lên).
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.