Đề xuất bổ sung quy định về phát hành trái phiếu
Các điều kiện bổ sung là để đảm bảo năng lực tài chính của các tổ chức phát hành, hạn chế các rủi ro cho công chúng đầu tư...
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số quy định đáng chú ý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Cụ thể, dự thảo có quy định các trường hợp phát hành trái phiếu ra công chúng phải có xếp hạng tín nhiệm, để doanh nghiệp làm quen với văn hóa xếp hạng tín nhiệm, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng.
Thêm nữa, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu, ngoại trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác; giá trị trái phiếu dự kiến phát hành theo mệnh giá không lớn hơn vốn chủ sở hữu.
Theo Bộ Tài chính, các điều kiện nêu trên để đảm bảo năng lực tài chính của các tổ chức phát hành, hạn chế các rủi ro cho công chúng đầu tư; đồng thời cũng thống nhất với pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng ngoại trừ điều kiện về tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu đối với tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng và trái phiếu phát hành được bảo lãnh thanh toán toàn bộ gốc và lãi trái phiếu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, do các tổ chức tín dụng là các tổ chức đặc thù, có nghiệp vụ huy động vốn và phải đảm bảo an toàn tài chính theo quy định pháp luật chuyên ngành.
Về niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán, dự thảo bổ sung nội dung để thống nhất với Luật Chứng khoán (sửa đổi) là tổ chức đăng ký niêm yết phải có "vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng trở lên".
Về thành viên giao dịch của sở giao dịch chứng khoán, dự thảo sửa đổi làm rõ các trường hợp đình chỉ hoạt động giao dịch của thành viên, thống nhất với quy định về bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó là bổ sung quy định về thành viên tạo lập thị trường.
Dự thảo cũng đề xuất rút ngắn quá trình niêm yết cổ phiếu sau chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), bảo vệ tốt hơn quyền lợi nhà đầu tư tham gia đợt IPO.
Ngoài ra, đối với “khối ngoại”, dự thảo cũng có bổ sung quy định liên quan đến nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài để phù hợp với Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Dự thảo bỏ quy định cho phép đại hội đồng cổ đông, điều lệ công ty đại chúng được quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn quy định pháp luật, trừ trường hợp có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc này sẽ giảm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ không lường được các thay đổi từ doanh nghiệp, từ đó tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của doanh nghiệp cổ phần hóa là công ty đại chúng niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời làm rõ các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, bao gồm cả quỹ thành viên phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trình tự, thủ tục đầu tư trên thị trường chứng khoán như nhà đầu tư nước ngoài khi có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.