Đề xuất bổ sung chính sách tiền lương, cơ chế đặc thù cho giáo viên
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Bộ GDĐT tổ chức sáng 14/12, đại diện một số địa phương đã có những kiến nghị, đề xuất về chính sách tiền lương, bổ sung biên chế giáo viên…
Giải pháp phát triển giáo viên
Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành ngày 4/11/2013. Nghị quyết đặt mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Tại Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo. Trình độ đào tạo của các nhà giáo không ngừng nâng lên trong từng năm.
Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành nhiều chính sách phát triển đội ngũ, đầu tư xây dựng cải tạo trường học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nhà giáo.
Ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Hà Nội đã có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo yêu cầu đổi mới của giáo dục Thủ đô.
Tại hội nghị, ông Cương đề xuất bổ sung phần thực hiện chính sách về tiền lương cho nhà giáo, thực hiện tự chủ tại các trường phổ thông. Đề nghị ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời khỏi nội đô thì ưu tiên xây dựng trường công lập.
Ông Cương cũng đề nghị, Bộ GDĐT có ý kiến sửa đổi Luật Thủ đô, trong đó có một số nội dung liên quan đến giáo dục.
Đồng thời, đề xuất Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh xem xét điều chỉnh số lượng cấp phó tại các trường có quy mô lớn như trường liên cấp, trường có nhiều cấp học, trường trọng điểm; tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế tuyển dụng giáo viên, quy định vị trí việc làm, định mức giáo viên, không áp dụng giảm tối thiểu 10% biên chế đối với các cơ sở giáo dục.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, tỉnh Kon Tum cũng đã cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chất lượng các mặt giáo dục chuyển biến theo hướng tích cực và hiệu quả.
Tuy nhiên, bà Y Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ GDĐT phối với với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ quan tâm một số nội dung.
Trong đó, nhấn mạnh việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum tương ứng với sự gia tăng quy mô học sinh và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học trong đơn vị sự nghiệp.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thể chế nhằm tránh sự bất cập giữa công tác đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ và công tác tuyển dụng; có cơ chế để tăng cường thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội cho giáo dục và đào tạo.
Kiên định với định hướng đổi mới
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục.
Một trong những hạn chế được lãnh đạo Bộ GDĐT chỉ ra là mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm hoàn thiện; việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế.
Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền.
Lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.
Khẳng định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Nghị quyết 29, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh cần kiên định, nhất quán với định hướng đổi mới; đồng thời phân tích những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới - những vấn đề Nghị quyết 29 chưa có điều kiện đề cập nhiều.
Từ đó đề xuất trong Kết luận với Bộ Chính trị một số việc nhằm tăng cường thích ứng, xử lý, vượt qua những thách thức trong thời gian tới.