Đề xuất bỏ hình phạt tử hình 8 tội danh

Tại dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình 8 tội danh, trong đó có tội 'Tham ô tài sản', 'Nhận hối lộ' và 'Gián điệp'

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo tờ trình, dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi do Bộ Công an chủ trì xây dựng. Dự kiến, dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10-2025).

Thay thế bằng phạt tù chung thân

Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8/18 tội danh, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; Vận chuyển trái phép chất ma túy; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Gián điệp; Tham ô tài sản; Nhận hối lộ. Theo đó, việc bỏ hình phạt tử hình sẽ thay bằng tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội).

Theo Bộ Công an, 8 năm thi hành luật cho thấy các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập. Các mức định lượng và loại hình phạt trong các khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình gặp khó khăn trên thực tế.

Theo quy định, Bộ Luật Hình sự hiện hành có 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình. Tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này, ví dụ như tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", tội "Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh"… hoặc ít áp dụng như tội "Tham ô tài sản", tội "Nhận hối lộ".

Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Về phạm vi không áp dụng hình phạt tử hình, theo Bộ Công an, trường hợp người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, nhiễm trùng, tiên lượng xấu là những căn bệnh như một bản án tử hình nhưng vẫn phải tạm giam kết hợp điều trị tích cực để chờ thi hành án mà chưa có quy định không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành án tử hình với những đối tượng này.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về việc tòa án có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình 2 năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên bản án tử hình. Quy định này vừa bảo đảm tính nhân đạo vừa phù hợp với thực tiễn và giải quyết một số vướng mắc bất cập về thời hạn nêu trên.

Theo tổng kết thực tiễn, trường hợp thi hành án tử hình nhanh nhất cũng mất 16 tháng với bị án không xin ân giảm và 30 tháng với bị án xin ân giảm, nên việc tạm hoãn 2 năm là phù hợp. Trong 2 năm đó, các đối tượng nêu tại khoản 3 điều 40 Bộ Luật Hình sự có thời gian để thực hiện khắc phục hậu quả (nộp 3/4 tài sản tham nhũng để chuyển thành tù chung thân). Thời hạn 2 năm để xét đơn ân giảm cũng giúp giảm áp lực cho Chủ tịch nước và các cơ quan giải quyết đơn xin ân giảm.

Phù hợp với luật pháp quốc tế

Việc xây dựng Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) lần này, theo Bộ Công an, là để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn thi hành Bộ Luật Hình sự năm 2015; tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng chống tội phạm trong giai đoạn mới; hội nhập quốc tế; bảo đảm tính răn đe, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của nhà nước và tổ chức; bảo đảm mọi người được sống trong một môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh...

Đánh giá về đề xuất bỏ án tử hình của Bộ Công an, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng việc này là xu hướng tất yếu, thể hiện xã hội phát triển và tính tự giác chấp hành pháp luật của công dân ngày một cao. Bên cạnh đó, hiện nay đa số quốc gia trên thế giới đã bỏ hình phạt tử hình.

Theo thống kê của Tổ chức Ân xá quốc tế, đến năm 2022, trên thế giới có 112 nước đã hoàn toàn bãi bỏ án tử hình, 55 nước vẫn áp dụng hình phạt này và 32 nước chưa bãi bỏ hoàn toàn án tử hình. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng khuyến khích các quốc gia bãi bỏ hoặc hạn chế dần và có lộ trình để tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình.

Do đó, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng với tư cách là thành viên của đa số Công ước quốc tế về nhân quyền, Việt Nam đã có những biện pháp để thực hiện tích cực nghĩa vụ của quốc gia thành viên. Trong đó, thành tựu nổi bật là nội luật hóa các quy định của Công ước quốc tế trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền sống. "Thực tiễn cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình. Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh theo đề xuất của Bộ Công an sẽ phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế, tạo ra sự đồng bộ với luật pháp quốc tế, tạo môi trường đầu tư năng động, lành mạnh, gia tăng hợp tác và giao lưu quan hệ quốc tế. Việc bỏ bớt các tội danh có hình phạt tử hình cũng cho thấy sự văn minh của xã hội và hiệu quả trong quản lý xã hội và phòng ngừa tội phạm, bảo đảm ngày càng đầy đủ hơn quyền con người, quyền công dân trong khuôn khổ pháp luật" - luật sư Cường nêu rõ.

NGUYỄN HƯỞNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-xuat-bo-hinh-phat-tu-hinh-8-toi-danh-1962504042014019.htm
Zalo